Công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản hiện vật bảo tàng: Ban đầu cơ sở vật chất không có, chưa có kho bảo quản hiện vật nhưng bảo tàng đã khắc phục khó khăn, cố gắng gìn giữ bảo quản hiện vật bằng những phương pháp thủ công thô sơ, bước đầu số lượng vật khá ít ỏi khoảng 2.000 hiện vật nhưng về sau hiện vật bảo tàng tăng theo số lượng hằng năm. Đến nay Bảo tàng đã có gần 15.000 hiện vật gồm các chất liệu khác nhau và có khoảng 50 bộ sưu tập phục vụ cho công tác trưng bày. Với số lượng hiện vật và trình độ chuyên môn của Bảo tàng đáp ứng đủ quy định của Cục di sản, năm 2008 Bảo tàng Tổng hợp Bình Định được xếp vào Bảo tàng loại 2 trong hệ thống bảo tàng cả nước. Tính đến nay Bảo tàng Bình Định lập hồ sơ trình Thủ tướng chính phủ thủ tục đăng ký bảo vật Quốc gia được công nhận 8 bảo vật quốc gia.
Công tác khai quật khảo cổ học: Từ những năm 80 của thế kỷ trước cho đến nay Bảo tàng tỉnh Bình Định đã phối hợp với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tiến hành nghiên cứu khảo sát thực địa, tổ chức nhiều đợt khai quật khảo cổ học, tìm hiểu thêm về các nền văn hóa cổ trên địa bàn tỉnh Bình Định: văn hóa Sa Huỳnh tại các địa điểm khai quật là Truông Xe, Chánh Trạch, Thuận Đạo (huyện Phù Mỹ), Hội Lộc, Núi Ngang, Đồi Điệp (thành phố Quy Nhơn), Động Cườm (huyện Hoài Nhơn); văn hóa Champa gồm các địa điểm khai quật là các kiến trúc đền, tháp, phế tích tháp như tháp Dương Long, tháp Cánh Tiên, phế tích tháp Lai Nghi, Tháp Mắm, Rừng Cấm, Chà Rây, Xuân Mỹ, Châu Thành, thành Cha, các lò gốm như Gò Sành, Trường Cửu, Gò Cây Me; khai quât Tử Cấm Thành – Thành Hoàng Đế; khai quật thăm dò khảo cổ khu vực thương cảng Thi Nại- Nước Mặn,…
Ngoài những công tác khai quật theo định hướng hằng năm, Bảo tàng tỉnh Bình Định còn có những cuộc khai quật để phục vụ cho dự án tu bổ các di tích lịch sử, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho công tác trùng tu tôn tạo di tích.
Năm 2014, Bảo tàng tỉnh Bình Định hoàn thành trang website bản đồ khảo cổ học Bình Định.
Công tác trưng bày tuyên truyền: Trong công tác trưng bày - tuyên truyền, cán bộ BTBĐ đã dần bổ sung hoàn thiện, chỉnh lý hệ thống trưng bày với diện tích gần 1.000m2, tạo diện mạo trưng bày của Bảo tàng có nhiều sắc thái mới. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Bình Định có 5 phòng trưng bày:
- Phòng 1: Thiên nhiên, đất nước và con người Bình Định
- Phòng 2: Gốm cổ Champa
- Phòng 3: Điêu khắc kiến trúc đá Champa
- Phòng 4: Nhân dân Bình Định trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ
- Phòng 5: Bác Hồ với nhân dân Bình Định và nhân dân Bình Định với Bác Hồ
Ngoài hệ thống trưng bày thường trực, Bảo tàng còn thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng và hằng năm thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm lưu động tại các địa phương và trên toàn quốc và đưa hiện vật ra nước ngoài tại Bảo tàng dân tộc Áo và Bảo tàng Hoàng Gia Bỉ để giới thiệu với công chúng năm 2004.
Đồng thời, với tư cách là Bảo tàng tỉnh, những năm qua, BTBĐ còn giúp các địa phương trong việc xây dựng các nhà truyền thống như: Nhà truyền thống chi bộ Hồng Lĩnh, Bảo tàng huyện Phù Cát; Nhà truyền thống huyện An Nhơn, Nhà truyền thống huyện Tuy Phước, Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu, Phòng truyền thống Trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn, Phòng truyền thống Bưu điện tỉnh, Nhà lưu niệm Công an Nam Trung Bộ, nhà lưu niệm Đề pô Diêu Trì, nhà lưu niệm Đào Tấn, nhà lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc, nhà lưu niệm chi bộ Hà Ra – Phú Hựu... đáp ứng được yêu cầu, được giới chuyên môn và các cấp lãnh đạo đánh giá cao.
Trong những năm qua, Bảo tàng đã đa dạng hóa các hình thức học tập và tìm hiểu lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương tại bảo tàng, đẩy mạnh việc tạo lập và không ngừng thắt chặt mối quan hệ giữa bảo tàng và nhà trường, tổ chức học sinh các trường trên toàn tỉnh tổ chức thăm quan bảo tàng; qua đó tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử văn hóa tỉnh Bình Định, lịch sử Việt Nam. Thông qua các chương trình ngoại khóa do bảo tàng tổ chức đã thu hút đông đảo học sinh trong tỉnh tham gia.
Ngoài công tác chuyên môn: Bảo tàng còn tham gia viết sách giới thiệu về các di tích danh thắng Bình Định đã được xếp hạng di tích, viết sách chuyên ngành phục vụ cho công tác nghiên cứu như các quyển: "Tập ảnh Sưu tập hiện vật lịch sử văn hóa Bình Định", "Tháp Dương Long - Kiến trúc và điêu khắc", "Gốm kiến trúc đền tháp Champa Bình Định", "Kỷ vật kháng chiến", tham gia các cuộc Hội thảo do Cục di sản văn hóa tổ chức, các Hội thảo do Bảo tàng tổ chức: Hội thảo Tăng Bạt Hổ, Đào Tấn, Hội thảo Quốc tế gốm Champa…
Công tác quản lý di tích: Công tác bảo tồn, trùng tu tôn tạo và phát huy di sản văn hóa ngay từ ngày đầu đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư, chống xuống cấp hằng năm. Tính đến năm 2019 tổng số di tích được xếp hạng là 133 di tích.
Trong đó - Di tích quốc gia đặc biệt: 02
- Di tích quốc gia: 34
- Di tích cấp tỉnh: 97
Nhìn lại chặn đường hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng tỉnh Bình Định đã góp phần cùng cả nước phát triển sự nghiệp văn hóa bảo tồn giá trị vật chất và tinh thần, giáo dục truyền thống yêu nước, làm cầu nối tri thức đến với quần chúng nhân dân trong nước và ngoài nước./.Ý kiến bạn đọc