ĐẶC SẮC BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT DÂN GIAN CHĂM TẠI THÁP CỔ BÌNH ĐỊNH

Thứ ba - 11/07/2023 10:25 312 0
ĐẶC SẮC BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT DÂN GIAN CHĂM TẠI THÁP CỔ BÌNH ĐỊNH
          Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm giữa tỉnh Bình Định và tỉnh Ninh Thuận tại tháp Đôi và tháp Bánh Ít đã thu hút đông đảo du khách, nhân dân tham gia thưởng thức.
Hòa tấu nhạc cụ Chăm (trống Ghinăng, kèn Saranai, trống Paranưng) tại di tích Tháp Đôi
 
          Trong 5 ngày từ 6 - 10/7, tại tháp Đôi và tháp Bánh Ít đoàn nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận biểu diễn giao lưu, giới thiệu nét văn hóa dân gian Chăm, với các tiết mục hát dân ca Chăm, múa Chăm, hòa tấu trống Ghinăng, kèn Saranai, trống Paranưng trình diễn nghệ thuật làm gốm, dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm…
          Chương trình khai mạc diễn ra lúc 17 giờ 30 phút ngày 6/7 tại tháp Đôi, có phần trình diễn giao lưu văn hóa của Đoàn nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận và đồng bào Chăm H’roi của huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định); đoàn nghệ thuật đồng bào Chăm H’roi biểu diễn giao lưu, giới thiệu nghệ thuật cồng chiêng, độc tấu đàn goong, trống kơtoang đối đáp…  
          Bình Định từng là kinh đô của vương quốc Chămpa từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, thời kỳ Vijaya. Trong 5 thế kỷ đó, người Chăm đã để lại trên vùng đất này nhiều di sản văn hóa quý giá, mà hiện nay còn lại là di tích các tòa thành cổ, những di tích và phế tích tháp Chăm, nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đất nung, bằng đá và các di tích lò nung gốm cổ với nhiều sản phẩm đang được lưu giữ, trưng bày ở các bảo tàng trong nước và thế giới. 
Biểu diễn giao lưu nghệ thuật văn hóa dân gian của đồng bào Chăm H’roi của huyện Vân Canh tại Tháp Đôi

          Về di tích kiến trúc nghệ thuật Chăm, Bình Định hiện còn 8 cụm tháp (Bánh Ít, Dương Long, Đôi, Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, Bình Lâm, Hòn Chuông) với 14 tháp. Trong đó, cụm di tích tháp Bánh Ít là công trình kiến trúc cổ duy nhất của Việt Nam được giới thiệu trong cuốn sách “1001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” do Nhà xuất bản Quintessence (Anh) xuất bản. Có thể khẳng định rằng, những di tích tháp Chăm ở Bình Định chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật rất có giá trị, là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa khó có nơi nào sánh được.
Hòa tấu nhạc cụ dân gian Chăm tại di tích Tháp Bánh Ít
         
          Tuy nhiên, khác với tháp Chăm ở các tỉnh, thành phía Nam, các tháp Chăm ở Bình Định hiện nay không còn gắn với các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm. Hằng năm, cộng đồng người Chăm ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận thường tổ chức hành hương đến các tháp Chăm ở Bình Định như: tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước), tháp Đôi (TP Quy Nhơn), tháp Cánh Tiên (thị xã An Nhơn) và thực hiện các nghi lễ cúng thần linh của họ.
Đông đảo du khách và nhân dân địa phương thưởng thức nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm tại tháp cổ

          Nhằm góp phần phục hồi không gian tâm linh cho di tích, phục vụ khách tham quan, nghiên cứu, những năm qua, tỉnh Bình Định đã tích cực thực hiện công tác bảo tồn, tu bổ một số tháp trên địa bàn. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh Bình Định cũng xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động, chương trình biểu diễn nghệ thuật Chăm tại các di tích; tăng cường quảng bá, kết nối du lịch đến các tháp Chăm.
Đoàn du khách Nhật Bản hào hứng chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn nghệ nhân Chăm tỉnh Ninh Thuận

          Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm giữa tỉnh Bình Định và tỉnh Ninh Thuận tại tháp Đôi và tháp Bánh Ít đã tạo hiệu ứng tích cực, thu hút đông đảo du khách, nhân dân đến tham quan di tích và thưởng thức nghệ thuật. Ông Thành Nhảy - Phó Giám đốc Bảo tàng Chăm Ninh Thuận cũng mong muốn, Bảo tàng Bình Định và Đoàn nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận gắn bó hơn nữa, cùng phối hợp hỗ trợ để tiếp tục quảng bá, giới thiệu nghệ thuật dân gian Chăm đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
         Theo Sở VH&TT, việc tổ chức các hoạt động giao lưu biểu diễn nghệ thuật tại các di tích tháp Chăm nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di tích, góp phần quảng bá di sản văn hóa của Bình Định đến với du khách trong và ngoài nước; qua đó, tạo thêm sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến với Bình Định./.
 

Tác giả bài viết: Đặng Văn Đệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây