LỄ GIỖ 156 NĂM NGÀY MẤT ANH HÙNG DÂN TỘC NGUYỄN TRUNG TRỰC (1868 - 2024)

Thứ ba - 15/10/2024 14:08 35 0
          Sáng ngày 13/10/2024 (nhằm ngày 11/9 âm lịch) tại Đền thờ Nguyễn Trung Trực (thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.  
          Tham dự lễ có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Phù Cát và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; đoàn khách mời tỉnh Kiên Giang; cùng đông đảo cán bộ, nhân dân địa phương.
 
Lãnh đạo tỉnh và đông đảo người dân từ nhiều địa phương trong tỉnh về dự lễ giỗ
        
          Lễ giỗ được tổ chức theo nghi thức truyền thống, bảo đảm sự trang nghiêm; kết hợp với hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống Tuồng để phục vụ nhân dân trong 02 đêm 12/10 và 13/10/2024 (tức ngày 10/9 và 11/9 âm lịch). Đây là lần thứ tư tỉnh Bình Định tổ chức Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.               
           Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868) tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh năm Mậu Tuất (1838), tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An); nguyên quán của ông ở xóm Lưới, làng Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).
          Nguyễn Trung Trực từ nhỏ nổi tiếng giỏi võ, tính tình cương trực, nghĩa hiệp, hay cưu mang giúp đỡ những người thân cô thế cô, nên ông được thầy dạy võ đặt tên là “Trực”. Do sớm bộc lộ tài năng võ thuật nên năm 16 tuổi ông đã thượng đài thi đấu, đến năm 18 tuổi ông đã thủ đài dài ngày tại chợ huyện. Từ đó, danh tiếng của ông lừng lẫy khắp vùng, chẳng những về võ nghệ mà còn về đức độ, sự thông minh, khẳng khái…Bên cạnh đó ông còn là người giàu lòng yêu nước, thương dân.
 
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đọc văn tế cầu mong quốc thái dân an tại lễ giỗ
 
          Tháng 2/1859, quân Pháp tiến đánh Gia Định, mở màn xâm chiếm Nam kỳ. Nguyễn Trung Trực đứng lên lập đội dân dũng, tuy nhỏ tuổi nhưng được nhiều người hưởng ứng. Sau đó ông gia nhập nghĩa quân do Trương Định lãnh đạo và sớm bộc lộ tài năng, đức độ của một thủ lĩnh xuất sắc trong hàng ngũ nghĩa quân, được Trương Định trọng dụng, cho làm Quyền sung Quản binh đạo. Ông được giao chỉ huy một bộ phận nghĩa quân hoạt động ở vùng Tân An, lập được nhiều công trạng, tiêu biểu như trận đốt cháy và làm chìm tàu L'Espérance (tàu “Hy vọng”) trên vàm Nhựt Tảo (thuộc tỉnh Long An) vào ngày 10/12/1861.
          Từ năm 1861 - 1867, ông luôn là cánh tay đắc lực của nghĩa quân Trương Định chiến đấu lừng danh ở lục tỉnh Nam Kỳ với lối đánh “xuất quỷ nhập thần” đầy hiệu quả. Tháng 10/1868, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực bị giặc bao vây, do tương quan lực lượng giữa ta và địch chênh lệch quá lớn nên nghĩa quân cầm cự không nổi, ông bị giặc Pháp bắt và hành quyết tại Rạch Giá ngày 27/10/1868 (nhằm ngày 12/9 âm lịch). Trước họng súng của kẻ thù, ông đã thể hiện khí phách hiên ngang với câu nói: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người nước Nam đánh Tây.”
          Để ghi nhận và tôn vinh công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, một người con ưu tú của quê hương Bình Định; năm 2020, Đền thờ Nguyễn Trung Trực được xây dựng ngay tại quê hương ông thuộc thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát. Công trình rộng khoảng 1,2 hecta, kết hợp hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên xung quanh, tạo nên nét trang trọng và tôn nghiêm của khu Đền thờ. Đền thờ Nguyễn Trung Trực được UBND tỉnh Bình Định ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 16/5/2022.
 
Các lễ vật đặc trưng của địa phương được dâng lên trong lễ giỗ
 
          Lễ kỷ niệm 156 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1868 - 2024) là dịp để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của ông đối với đất nước, đồng thời góp phần tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tác giả bài viết: Nguyễn Viết Tuấn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây