1. Anh hùng kháng chiến chống Pháp Nguyễn Trung Trực
Nguyễn Trung Trực giỏi võ từ nhỏ, 16 tuổi đã thượng đài và nổi tiếng khắp vùng, tính tình cương trực, nghĩa hiệp, có lòng yêu nước thương dân. Khi Pháp đánh chiếm thành Gia Định năm 1859, ông đã gia nhập nghĩa quân của Trương Định lãnh đạo chống Pháp xâm lăng, được giữ chức cai đội đồn điền. Ông đã trực tiếp tham gia và lãnh đạo nghĩa quân tấn công địch ở nhiều nơi làm cho lực lượng Pháp bị tiêu hao. Trong đó, Anh hùng Nguyễn Trung Trực nổi tiếng với hai chiến công oanh liệt là lãnh đạo nghĩa quân đốt cháy và làm đắm tàu Espérance (Hy vọng) của Pháp trên sông Nhật Tảo vào trưa ngày 10/12/1861 và đánh chiếm đồn Rạch Giá, Kiên Giang tháng 6/1868, làm cho giặc Pháp hoang mang và cổ vũ mạnh mẽ phong trào kháng Pháp của nhân dân ta.
Cuối tháng 6/1868, nghĩa quân do Nguyễn Trung Trực lãnh đạo bị thực dân Pháp đàn áp, ông bị bắt giữ, tại đây địch đã sử dụng nhiều biện pháp để dụ dỗ, lôi kéo, ép ông đầu hàng nhưng đều bị thất bại. Cuối cùng, thực dân Pháp đã tra tấn dã man và ông bị hành quyết tại pháp trường gần chợ Rạch Giá sáng ngày 27/10/1868 (tức ngày 12/9 Mậu Thìn), anh hùng Nguyễn Trung Trực khi đó mới 30 tuổi đã thốt ra câu nói lưu danh muôn thuở: "Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.
Sau khi ông hy sinh, vua Tự Ðức cho làm lễ truy điệu và sắc phong ông làm Thượng Ðẳng Linh Thần, thờ tại làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá (nay là phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá) nơi ông đã hiên ngang thà chịu chết chứ không chịu đầu hàng quân xâm lược.
Nhân dân miền Tây Nam Bộ luôn luôn tôn kính và tự hào về Nguyễn Trung Trực, người Anh hùng dân tộc "Sống làm Tướng và chết làm Thần”. Để tỏ lòng biết ơn ông, nhân dân lập đền thờ cúng ở nhiều nơi, trong đó tiêu biểu là Đền thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực tại tỉnh Long An, tại Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) và tại Gành Dầu (huyện đảo Phú Quốc)…
2. Đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực tại Bình Định khánh thành vào ngày 11/10/2020
Nguyễn Trung Trực nguyên quán quê ở Bình Định. Theo gia phả dòng họ Nguyễn Trung Trực ở Long An thì ông nội của Nguyễn Trung Trực là Nguyễn Văn Đạo vốn là ngư dân ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đã vào nam lập nghiệp.
Để tỏ lòng tự hào và biết ơn Anh hùng Nguyễn Trung Trực - người con của quê hương Bình Định, đồng thời, tạo nên một điểm đến tham quan, giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định chủ trương và chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp cùng các đơn vị liên quan thiết kế và thi công Đền thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực. Công trình được đầu tư xây dựng tại địa điểm Dốc Sáo, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, trên diện tích 12.000m2, kinh phí gần 14 tỷ đồng chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa, gồm các hạng mục: Sân đậu xe và tường rào; Cổng tam quan; Sân hành lễ; Đền thờ chính; Nhà chờ; Nhà soạn lễ; Bức bình phong; Nhà vọng cảnh; Nhà bia; Vườn trồng cây lưu niệm; Hệ thống sân nền giao thông nội bộ và nội thất không gian thờ. Công trình được khởi công ngày 09/5/2020, khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 11/10/2020.
Chiều ngày 27/9/2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến thăm và đánh giá cao việc tỉnh Bình Định xây dựng đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực: "Công trình hoàn thành sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau".
Đặng Văn Đệ
Ý kiến bạn đọc