Lễ tưởng niệm 55 năm vụ thảm sát Bình An

Thứ năm - 03/06/2021 10:54 77 0
Ngày 26/2, tại khu di tích lịch sử Quốc gia Gò Dài (xã Tây Vinh, H.Tây Sơn, Bình Định), HĐND - UBND - UBMTTQ tỉnh Bình Định, Sở Văn hóa và Thể thao và huyện Tây Sơn tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm 55 năm vụ thảm sát Bình An, nơi 380 người dân ở H.Tây Sơn và TX.An Nhơn đã bị lính Nam Triều Tiên (Nam Hàn) sát hại dã man vào ngày 26/2/1966.
Lễ tưởng niệm 55 năm vụ thảm sát Bình An

Tham dự buổi lễ có đồng chí Huỳnh Thúy Vân - Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; đồng chí Lê Bình Thanh - Bí thư huyện ủy Tây Sơn, cùng thân nhân các nạn nhân trong vụ thảm sát ở các địa phương trong tỉnh Bình Định. Vì ảnh hưởng của đại dịch Covid, các đoàn Hàn Quốc không trực tiếp đến tham dự, nhưng có gửi các lẵng hoa dâng lên các nạn nhân bị thảm sát; thể hiện sự ăn năn và xin lỗi đến thân nhân các nạn nhân trong vụ thảm sát Bình An.

Được biết, bước vào năm 1965, đứng trước nguy cơ sụp đổ của ngụy quyền sau thất bại chiến lược "chiến tranh đặc biệt”, Mỹ đã bị động chuyển sang chiến lược "chiến tranh cục bộ” hòng thắng nhanh bằng quân đội viễn chinh và vũ khí hiện đại. Về lực lượng chiến tranh, quân Mỹ và chư hầu là lực lượng nòng cốt tác chiến, biện pháp chủ yếu của chiến lược này là "tìm diệt” và "bình định nông thôn”. Tại chiến trường Bình Định, chúng đã tung vào những đơn vị thiện chiến như Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của Mỹ, Sư đoàn Mãnh Hổ, Lữ đoàn Bạch Mã của Nam Triều Tiên…, đưa tổng số quân đội nước ngoài tham chiến từ cuối năm 1965 lên tới gân 2 vạn tên.

Với mộng tưởng sẽ đánh tan được các lực lượng vũ trang của ta và đè bẹp ý chí đấu tranh kiên cường của quần chúng cách mạng, chúng tiến hành các cuộc hành quân càn quét với quy mô lớn. Trong các cuộc hành quân đó, chúng đã không từ một thủ đoạn dã man tàn ác nào hòng làm nhụt ý chí của nhân dân. Những vụ thảm sát đẫm máu liên tiếp diễn ra ở huyện Phù Cát, Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn như Trường Thạnh (xã Cát Tiến), Tân Giảng (xã Phước Hòa), Nho Lâm (xã Phước Hưng) và nhiều nơi khác. Nhưng điển hình nhất cho những tội ác man rợ đó là vụ thảm sát do lính Nam Triều Tiên gây ra ở Bình An (nay là 3 xã Tây Bình, Tây An và Tây Vinh) vào tháng 2/1966.

Ngày 23/01/1966, lính Nam Hàn bất ngờ tổ chức một cuộc tấn công vào Bình An. Quân địch bao vây từ 4 phía với quyết tâm tiêu diệt toàn bộ lực lượng của ta, nhưng đã bị đánh trả quyết liệt. Không đạt được mục đích, chúng điên cuồng quay sang đốt phá thóc gạo, nhà cửa và giết hại dân lành. Hơn 100 thường dân, trong đó chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em đã bị giết trong trận càn này, mở đầu cho một chiến dịch tàn sát trả thù hết sức dã man.

Với khẩu hiệu "đốt sạch, phá sạch, giết sạch", ngày 7/2/1966, các đơn vị lính Nam Hàn mở màn một chiến dịch hành quân khủng bố tàn bạo chưa từng có. Từ sáng sớm hầu hết các đơn vị pháo binh trong vùng của địch đều được lệnh nã đạn vào Bình An. Làng quê nhỏ bé, hiền hòa bỗng chốc chìm ngập trong khói đạn. Vừa dứt tiếng pháo, lính Nam Hàn từ các phía ập đến. Phát hiện ra các hầm trú ẩn của dân ven làng, chúng thả lựu đạn cay xuống bắt mọi người phải trồi lên rồi thả sức tàn sát.

Từ ngày 02/2 đến ngày 26/2/1966, đã có 15 địa điểm ghi lại tội ác man rợ của quân Nam Triều Tiên (gồm 13 điểm ở xã Tây Vinh, 1 điểm ở xã Tây Bình và 1 điểm ở xã Tây An) với 1.004 người dân vô tội hầu hết là người già và trẻ em đã bị sát hại… Trong đó, ngày 26/2/1966, tại Gò Dài (xã Bình An, H.Tây Sơn, nay thuộc địa phận xã Tây Vinh), 380 người dân ở H.Tây Sơn và TX.An Nhơn đã bị sát hại dã man, chúng điên cuồng hãm hiếp phụ nữ rồi giết chết dã man bằng cách dùng lưỡi lê đâm vào cửa mình, chất rơm đốt lửa thiêu sống trẻ em…Vụ thảm sát đã gây nên nỗi kinh hoàng. Sau những ngày hãi hùng, nhiều người còn sống sót phải bỏ làng ra đi. Từ một làng quê trù phú, Bình An bao trùm một không khí chết chóc, hoang tàn.

Những gì mà quân xâm lược gây ra trên đất Bình An là tội ác trời không dung đất không tha. Những người dân hiền lành nơi đây luôn mong có được cuộc sống bình yên như chính tên gọi của làng mình nhưng đã bị quân thù giày xéo. Con đường duy nhất họ phải lựa chọn cho vùng lên đấu tranh bảo vệ lấy cuộc sống của mình.

Đến Bình An (Tây Vinh) hôm nay sự sống đã hồi sinh, nhưng tội ác dã man của quân giặc thì mãi mãi còn khắc cốt ghi xương đối với những người dân địa phương. Di tích còn lại về vụ thảm sát Gò Dài là một ngôi mộ tập thể dài 33m, rộng 1,5m chôn xác 380 nạn nhân.

Năm 1988, khu tưởng niệm Gò Dài được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.

Đặng Văn Đệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây