LỄ KỶ NIỆM 154 NĂM NGÀY MẤT ANH HÙNG DÂN TỘC NGUYỄN TRUNG TRỰC (1868 - 2022) TẠI TỈNH BÌNH ĐỊNH DIỄN RA NĂM NGÀY TỪ NGÀY 03 - 07/10/2022

Thứ hai - 10/10/2022 09:58 177 0
LỄ KỶ NIỆM 154 NĂM NGÀY MẤT ANH HÙNG DÂN TỘC NGUYỄN TRUNG TRỰC (1868 - 2022) TẠI TỈNH BÌNH ĐỊNH DIỄN RA NĂM NGÀY TỪ NGÀY 03 - 07/10/2022
     1. Nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước, sáng ngày 07/10/2022 (nhằm ngày 12/9 âm lịch) tại Đền thờ Nguyễn Trung Trực (thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Các đại biểu và nhân dân tham giữ Lễ giỗ 154 năm ngày mất anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
     Tham dự Lễ có các đồng chí: Nguyễn Thanh Tùng - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Giờ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Trần Văn Thọ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy; Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể của tỉnh, huyện Phù Cát; Đảng ủy, chính quyền của 18 xã/thị trấn và cùng đông đảo nhân dân địa phương.
     Lễ giỗ năm nay diễn ra trong năm ngày từ ngày 03 - 07/10/2022 (nhằm từ ngày 08 đến ngày 12 tháng 9 âm lịch), với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đầy ấn tượng như biểu diễn nghệ thuật truyền thống, thi đấu võ thuật cổ truyền Bình Định… nhưng bảo đảm sự trang nghiêm theo nghi lễ truyền thống của dân tộc và bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Lễ giỗ được tổ chức theo nghi thức truyền thống của dân tộc.
     Trước đó, trong khuôn các hoạt động lễ kỷ niệm, từ ngày 03-06/10/2022, Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định tổ chức chương trình biểu diễn các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc để phục vụ bà con Nhân dân, cụ thể: vào đêm ngày 03 và 04/10/2022, biểu diễn, thi đấu võ cổ truyền; chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống hát Bài Chòi được tổ chức vào đêm ngày 05 và 06/10/2022 (nhằm ngày 10 và 11 tháng 9 âm lịch).
Đồng chí Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh, đọc văn tế tại lễ giỗ.
     2. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868) tên thật là Nguyễn Văn Lịch, khi tham gia nghĩa quân thường được gọi là Quản Chơn, Quản Lịch. Ông sinh năm Mậu Tuất (1838), tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An); nguyên quán của ông ở xóm Lưới, làng Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).
Đại biểu và nhân dân dâng hương Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
     Nguyễn Trung Trực nổi tiếng giỏi võ từ nhỏ, tính tình cương trực, nghĩa hiệp, giàu lòng yêu nước, thương dân. Bởi tính tình cương trực, hay cưu mang giúp đỡ kẻ thế cô, nên ông được thầy đặt tên là “Trực”. Năm 16 tuổi đã thượng đài, năm 18 tuổi thủ đài dài ngày tại chợ huyện. Từ đó danh tiếng ông lừng lẫy, chẳng những về võ nghệ mà cả về đức độ, sự thông minh, khẳng khái…
     Tháng 2 năm 1859, quân Pháp tiến đánh Gia Định, mở màn xâm chiếm Nam kỳ. Nguyễn Trung Trực đứng lên lập đội dân dũng, tuy nhỏ tuổi, nhưng được nhiều người hưởng ứng. Năm Tân Dậu (1861), Trương Định lúc đó giữ chức Phó Quản cơ Gia Định đã chiêu mộ nghĩa quân, tổ chức đánh Pháp nhiều trận. Vua Tự Đức phong cho Trương Định chức Quản cơ, rồi thăng chức Phó Lãnh binh Gia Định. Lúc này, Nguyễn Trung Trực đã gia nhập nghĩa quân do Trương Định lãnh đạo. Ông đã sớm bộc lộ tài năng, đức độ của một thủ lĩnh xuất sắc trong hàng ngũ nghĩa quân nên được Trương Định trọng dụng, cho làm Quyền sung Quản binh đạo. Thời gian này, Nguyễn Trung Trực được giao chỉ huy một bộ phận nghĩa quân hoạt động ở vùng Tân An, đã lập được nhiều công trạng, tiêu biểu như trận: đốt cháy và làm chìm tàu L'Espérance (tàu “Hy vọng”) trên vàm Nhựt Tảo (thuộc tỉnh Long An) vào ngày 10/12/1861. Tiếp đó, Nguyễn Trung Trực lại chỉ huy nghĩa quân tấn công một tiểu hạm khác của Pháp trên rạch Tra (Gò Công)…
     Năm 1867, Nguyễn Trung Trực được phong chức Lãnh binh tỉnh Gia Định; rồi Thành thủ úy tỉnh Hà Tiên. Nhưng ông chưa kịp về Hà Tiên thì Hà Tiên đã lọt vào tay quân Pháp (ngày 24/6/1867). Nguyễn Trung Trực rút quân về Hòn Chông, mở rộng hoạt động về vùng U Minh (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang ngày nay). Đêm 16/6/1868, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân, lợi dụng lúc trời còn tối, đã tổ chức đánh úp, diệt và thiêu rụi đồn Kiên Giang; làm chủ nơi này một tuần lễ.
Từ đêm ngày 03-06/10/2022, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh tổ chức chương trình biểu diễn
các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc để phục vụ bà con Nhân dân
     Tiếp đó, ông chiến đấu lừng danh ở lục tỉnh Nam Kỳ với lối đánh “xuất quỷ nhập thần” đầy hiệu quả. Tháng 10-1868, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực bị giặc bao vây. Ông bị bắt và bị giặc Pháp hành quyết tại Rạch Giá ngày 27/10/1868 (nhằm 12/9 âm lịch). Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã hy sinh oanh liệt vì dân, vì nước với khí phách anh hùng cùng câu nói: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người nước Nam đánh Tây.” Sự hy sinh của Nguyễn Trung Trực, đã góp phần hun đúc lòng yêu nước, ý chí quật khởi, kiên cường chống giặc ngoại xâm của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng.
    Mặc dù sự nghiệp chống Pháp của Nguyễn Trung Trực gắn liền với vùng đất Nam Bộ, nhưng tại quê hương ông, ghi nhận, tôn vinh công lao to lớn của Nguyễn Trung Trực, người anh hùng dân tộc, người con của quê hương Bình Định là việc làm hết sức quan trọng và có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Từ ý nghĩa ấy, năm 2020 đền thờ Nguyễn Trung Trực được xây dựng tại quê hương ông thuộc thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Công trình được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 1,2 hecta, bao gồm các hạng mục: Sân đậu xe, tường rào, cổng tam quan, nhà quản lý, nhà soạn lễ, bức bình phong, nhà vọng cảnh, nhà bia, sân hành lễ, sân và đường nội bộ, đền thờ chính. Tất cả các hạng mục công trình đều sử dụng lối kiến trúc truyền thống; công trình và màu sắc hòa lẫn cảnh quan tự nhiên, kết nối hài hòa tạo nên một quy mô trang trọng cho khu Đền thờ.
     Lễ kỷ niệm 154 năm Ngày mất Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1868 – 2022)” góp phần tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc để ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Quảng bá di tích gắn với quảng bá một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu tỉnh Bình Định đến với nhân dân và du khách, nâng cao hiệu quả phát huy giá trị di tích./.

Tác giả bài viết: ĐẶNG VĂN ĐỆ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây