Cuộc thi đầu tiên Bảo tàng Bình Định tổ chức mang tên "Ai nhớ nhiều nhất” với chủ đề Hành trình theo chân Bác, dựa trên format chương trình Rung chuông vàng của VTV3. Cuộc thi gồm hệ thống các câu hỏi về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nội dung câu hỏi bám sát chương trình học của học sinh tại trường và những hình ảnh, hiện vật đang trưng bày tại phòng "Bác Hồ với nhân dân Bình Định và nhân dân Bình Định với Bác Hồ” tại Bảo tàng. Vì vậy, bảo tàng đã thu hút nhiều học sinh đến tham quan, học tập trong dịp này.
Với chương trình Tiết học lịch sử, Bảo tàng xác định đối tượng tham gia là tất cả các em học sinh của cả 2 cấp học: Tiểu học và THCS. Với 10 chủ đề phù hợp với chương trình học lịch sử của các em tại trường và phù hợp với nội dung trưng bày tại Bảo tàng, đó là các chủ đề liên quan đến các ngày lễ trọng đại của dân tộc và của địa phương.
Trong đó, cán bộ Bảo tàng giữ vai trò là người trực tiếp hướng dẫn. Mỗi chủ đề sẽ được trình bày trong 60 phút, kết hợp sử dụng phim, ảnh, hiện vật liên quan đang được trưng bày. Có thể nói, chương trình Tiết học lịch sử tại bảo tàng đã củng cố thêm kiến thức lịch sử đã được học ở trường của các em, đồng thời bổ sung thêm những kiến thức về lịch sử địa phương, thu hút được một lượng lớn học sinh các trường đến tham gia chương trình, nhiều trường không chỉ đăng ký đưa học sinh tham gia một lần mà còn đăng ký nhiều lần, nhiều đợt và nhiều khối lớp.
Với cuộc thi "Họa sĩ nhí với Bảo tàng Bình Định” năm 2018 dành cho các em HS Tiểu học đã góp phần gắn kết năng khiếu, đam mê về hội họa các em học sinh với việc tìm hiểu về lịch sử, văn hóa truyền thống quê hương Bình Định thông qua các tranh vẽ, hướng cácemtới những giá trị đạo đức và tinh thần đầy ý nghĩanhân văn, nuôi dưỡng những cảm xúc tốt đẹp của các em.
Năm 2019, Cuộc thi kể chuyện lịch sử dành cho học sinh các trường Tiểu học và THCS được tổ chức. Đến với Cuộc thi kể chuyện lịch sử, các em học sinh đã trình bày nhiều tiểu phẩm, câu chuyện kể về Bác Hồ, các nhân vật lịch sử, các trận đánh lịch sử, các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, anh hùng liệt sĩ mà các em yêu thích đã được dạy và học trong chương trình giáo dục phổ thông, mỗi câu chuyện như một bài học lịch sử thú vị do chính các em học sinh truyền tải. Đặc biệt sau mỗi phần thi là phần giao lưu, trả lời câu hỏi từ Ban giám khảo, giúp học sinh rút ra nhiều điều bổ ích cho bản thân
Đặc biệt, trong 2 năm 2018 và 2020, Bảo tàng tỉnh Bình Định đã chủ trì tổ chức cuộc thi "Theo dòng lịch sử” lần thứ nhất và lần thứ II. Cuộc thi dựa theo format chương trình Đường lên đỉnh Olympia của Đài truyền hình Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Bảo tàng Bình Định tổ chức một cuộc thi chuyên đề về lịch sử, văn hóa dành cho HS THCS quy mô cấp thành phố. Nội dung cuộc thi bao gồm những kiến thức lịch sử, văn hóa Việt Nam từ thời dựng nước đến nay, các cột mốc lịch sử quan trọng của đất nước, các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, anh hùng liệt sĩ của Việt Nam đã được dạy và học trong chương trình giáo dục phổ thông và của quê hương Bình Định hiện đang được trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Bình Định.
Cuộc thi đã được ban tổ chức chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu soạn thảo bộ câu hỏi, mời các nhà nghiên cứu lịch sử có uy tín của tỉnh làm cố vấn cho cuộc thi, đầu tư về hình ảnh cuộc thi, quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo ra một cuộc thi lôi cuốn, hấp dẫn, hồi hộp, trí tuệ, chuyên nghiệp và đã để lại một ấn tượng sâu sắc cho tất cả những ai theo dõi cuộc thi. Cuộc thi đã thu hút sự chú ý của các phương tiện thông tin báo đài, tạo được hiệu ứng tốt đối với công chúng. Đông đảo giáo viên và học sinh đã đến tham gia và cổ vũ, điều này phản ánh hiệu quả hoạt động giáo dục của bảo tàng đối với học sinh, đưa lịch sử, văn hóa dân tộc và địa phương đến với công chúng, nuôi dưỡng, vun đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước nhất là trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Có thể nói, qua 5 năm triển khai Kế hoạch phối hợp về việc đẩy mạnh học tập, giáo dục truyền thống tại Bảo tàng đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố đã góp phần xây dựng nhiều mô hình học ngoại khóa hấp dẫn đối với các trường học, gây hứng thú học tập, phát huy tính tích cực và sáng tạo của học sinh. Nhiều học sinh từ việc còn thờ ơ với môn Lịch sử thì nay hứng thú hơn, có thêm niềm yêu thích với môn học này.
Kết quả của chặng đường 5 năm qua sẽ là tiền đề để Bảo tàng tỉnh Bình Định và Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quy Nhơn đặt ra những mục tiêu cao hơn trong chương trình phối hợp thời gian tới, phấn đấu hơn nữa để "Bảo tàng là cuốn sử sống” của các em học sinh, từ đó giáo dục thế hệ trẻ thêm hiểu biết và có ý thức gìn giữ những giá trị lịch sử của cha ông và của dân tộc./.Ý kiến bạn đọc