Bảo tàng tỉnh Bình Định được thành lập từ năm 1980, lúc mới thành lập có tên là Bảo tàng Nghĩa Bình, đến năm 1989 khi tách hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thì mang tên Bảo tàng Tổng hợp Bình Định. Đầu năm 2019, khi sáp nhập Ban quản lý Di tích tỉnh vào Bảo tàng Tổng hợp Bình Định thì mang định danh mới là Bảo tàng tỉnh Bình Định.
Những năm gần đây, hệ thống trưng bày được nâng cấp. Đặc biệt là các bộ sưu tập hiện vật theo chuyên đề không ngừng được bổ sung. Đến nay, Bảo tàng tỉnh Bình Định đang sở hữu một số lượng tư liệu, hiện vật khá đồ sộ gần 15 nghìn tư liệu, hiện vật. Các bộ sưu tập hiện vật rất phong phú, đa dạng, đó là những sưu tập hiện vật về hiện vật văn hóa Sa huỳnh; hiện vật điêu khắc đá, trang trí kiến trúc Chăm – pa; đặc biệt là sưu tập hiện vật đồ gốm Chăm – pa phát hiện qua các cuộc khai quật khảo cổ học các khu lò gốm cổ Chăm – pa tại Bình Định, có niên đại khoảng thế kỷ XIV – XV. Ngoài ra còn rất nhiều các sưu tập hiện vật quý giá khác như sưu tập hiện vật về triều đại Tây Sơn; sưu tập hiện vật văn hóa các dân tộc trên đất Bình Định; sưu tập hiện vật các làng nghề; sưu tập hiện vật về các loại hình văn hóa phi vật thể: Tuồng, Bài chòi, võ cổ truyền Bình Định; sưu tập hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; sưu tập hiện vật về Bác Hồ với nhân dân Bình Định…
Bên cạnh việc chú trọng đến công tác sưu tầm hiện vật, Bảo tàng cũng thường xuyên quan tâm và chú trọng đến công tác trưng bày – tuyên truyền. Đặc biệt là vấn đề đổi mới về phương thức trưng bày hiện vật và thuyết minh cho khách tham quan. Với phương châm lấy khách tham quan làm trung tâm để đưa ra các giải pháp, sáng kiến hiệu quả, giúp cho khách tham quan có được sự tương tác, trải nghiệm tốt nhất khi đến tham quan Bảo tàng.
Để hiện thực hóa những phương châm trên, kế hoạch của từng năm luôn có một đầu việc là nâng cấp khu trưng bày. Tuy với nguồn kinh phí ít ỏi có được, Bảo tàng đã chủ động thực hiện việc nâng cấp khu trưng bày theo từng chuyên đề, về cơ bản đã nâng cấp được khoảng 80% tổng thể khu trưng bày. Việc nâng cấp luôn lấy tiêu chí làm nổi bật hơn cho hiện vật, làm cho hiện vật "tự biết nói”, làm tăng hiệu quả cảm thụ của khách tham quan. Hệ thống chiếu sáng cũng được thiết kế nhằm làm cho hiện vật nổi bật, sống động, để lại ấn tượng đối với người xem.
Công tác thuyết minh đóng vai trò như một người bạn đồng hành với khách tham quan, với phong thái tự tin, gần gũi, luôn sẵn sàng giao lưu, đối thoại, chia sẻ với khách; trang phục lịch lãm, chuyên nghiệp. Với mục tiêu là khiến cho khách tham quan đến với Bảo tàng thực sự là một chuyến trải nghiệm mới mẻ, thú vị và bổ ích.
Công việc xây dựng video về phim tư liệu đang được quan. Tuy nhiên, với điều kiện hiện nay, Bảo tàng tỉnh Bình Định chưa thể áp dụng các kỹ thuật này. Hy vọng trong tương lai với sự phát triển đi lên của đời sống kinh tế xã hội tỉnh nhà nói chung và sự phát triển của Bảo tàng nói riêng sẽ có điều kiện để áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào trưng bày bảo tàng, góp phần nâng cao hiệu quả tương tác và trải nghiệm của khách tham quan đối với trưng bày hiện vật rất có giá trị mà Bảo tàng tỉnh Bình Định đang sở hữu.
Nguyễn Viết TuấnÝ kiến bạn đọc