Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh Bình Định cũng chú trọng tổ chức các chương trình ngoại khóa cho đối tượng học sinh các cấp. Trong 5 năm gần đây phòng Trưng bày – Tuyên truyền của Bảo tàng tỉnh đã lên kế hoạch và tổ chức thành công 5 chương trình ngoại khóa cho học sinh trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, thông qua đề án ký kết, phối hợp với Phòng Giáo dục – Đào tạo thành phố Quy Nhơn trong việc "Nâng cao nhận thức và giáo dục lịch sử địa phương tại Bảo tàng”.
Mở đầu đề án phối hợp là tổ chức thành công Cuộc thi "Ai nhớ nhiều nhất” năm 2016, với chủ đề "Hành trình theo chân Bác” tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc thi lấy ý tưởng từ chương trình "Rung chuông vàng” dành cho đối tượng sinh viên của Đài truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên, nội dung và thể lệ cuộc thi được điều chỉnh cho phù hợp với một cuộc thi kiến thức dành cho đối tượng học sinh trung học cơ sở. Câu hỏi trong cuộc thi bám sát nội dung chương trình học tại các nhà trường, cùng những hình ảnh, hiện vật đang trưng bày ở phòng "Bác Hồ với nhân dân Bình Định và nhân dân Bình Định với Bác Hồ” tại Bảo tàng tỉnh. Cuộc thi đã thu hút đông đảo học sinh các trường Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố tham gia.
Năm 2017, Phòng Trưng bày – Tuyên truyền tiếp tục đẩy mạnh đề án phối hợp, tổ chức năm đầu tiên của chương trình "Tiết học lịch sử” ngay tại Bảo tàng cho các đối tượng học sinh phổ thông trên địa bàn thành phố. Chương trình "Tiết học lịch sử” dành cho học sinh ở cả hai cấp tiểu học và THCS, với chủ đề phù hợp với chương trình học lịch sử tại trường và nội dung trưng bày tại Bảo tàng tỉnh để các trường lựa chọn đăng ký tham gia. Cán bộ Bảo tàng tỉnh trực tiếp giảng dạy mỗi chủ đề trong 60 phút, kết hợp sử dụng phim, ảnh, hiện vật liên quan đang được trưng bày; học sinh được gợi mở để cùng trao đổi, phát biểu ý kiến…
Từ khi tổ chức đến nay hầu như đều đặn hàng tháng đều có các trường đăng ký tiết học lịch sử tại Bảo tàng. Các em đến với Bảo tàng với thái độ rất hứng thú, vừa được tham quan trải nghiệm thực tế từ những hiện vật trưng bày ở Bảo tàng trong không gian mở, vừa xóa bỏ được sự gò bó, lý thuyết suông của các tiết học lịch sử địa phương ở trên lớp. Các em đến với Bảo tàng với sự hứng khởi, thú vị trước những trải nghiệm mới mẻ thông qua hệ thống trưng bày hiện vật, cùng những lời thuyết minh dễ hiểu, dễ nhớ. Những hiện vật trưng bày trong Bảo tàng như là một sự minh họa sống động cho phần lý thuyết lịch sử địa phương ở trên lớp. Bằng chứng là phần lớn các bài thu hoạch sau chuyến tham quan học tập tại Bảo tàng của các em đều được đánh giá tốt. Tính đến nay đã có hàng nghìn lượt học sinh tham gia tiết học lịch sử tại Bảo tàng tỉnh Bình Định.
Cũng trong năm 2017, phòng Trưng bày – Tuyên truyền của Bảo tàng tổ chức cuộc thi "Họa sĩ nhí với Bảo tàng” dành cho đối tượng học sinh khối Tiểu học trên địa bàn thành phố Quy Nhơn. Cuộc thi được phát động rộng rãi trong khối học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố. Mỗi trường sẽ cử một số học sinh nhất định có năng khiếu hội họa tham gia cuộc thi. Tổng số thí sinh tham gia là 100 thành viên. Chủ đề được đưa ra là vẽ những cảm nhận của các em về Bảo tàng tỉnh Bình Định. Đó có thể là vẽ về một số hiện vật trong trưng bày bảo tàng mà các em cho là độc đáo, hay cảnh tham quan Bảo tàng, phòng trưng bày hiện vật Bác Hồ với nhân dân Bình Định, mơ ước của các em về một bảo tàng mới khang trang hơn…Thông qua cuộc thi cho thấy được tư duy phong phú của các em về hệ thống hiện vật trưng bày tại bảo tàng dưới nét vẽ vô cùng ngộ nghĩnh, hồn nhiên của các em. Qua đó, giúp cho quá trình tương tác của các em với hệ thống hiện vật trưng bày tại bảo tàng thêm sâu sắc hơn.
Năm 2018, phòng Trưng bày – Tuyên truyền tiếp tục lên kế hoạch và tổ chức thành công cuộc thi "Theo dòng lịch sử”. Cuộc thi dựa trên ý tưởng của chương trình "Đường lên đỉnh Olympia” của Đài truyền hình Việt Nam nhưng đã được điều chỉnh cho phù hợp hơn với đối tượng học sinh Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Quy Nhơn. Cuộc thi nhằm mục đích giúp các em hệ thống lại các kiến thức lịch sử đã thu lượm được qua quá trình tham quan học tập thực tế tại Bảo tàng. Hệ thống câu hỏi phần lớn xoay quanh lịch sử địa phương và các hiện vật được trưng bày trong bảo tàng là chính, bên cạnh đó còn mở rộng một số câu hỏi lịch sử chung của đất nước. Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức mỗi trường thành lập 1 đội tuyển gồm 3 thành viên, mỗi cuộc thi sẽ gồm 3 đội thi đấu với nhau, để lấy đội cao điểm nhất đi tiếp vào vòng trong; cứ như vậy cho đến khi lấy được 3 đội vào vòng thi chung kết để chọn ra đội nhất, nhì, ba để trao giải. Cuộc thi đã được đông đảo các trường Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Quy Nhơn hưởng ứng nhiệt tình và thu được những kết quả rất khả quan. Các thí sinh chơi hết mình, còn các cổ động viên thì cổ vũ rất nhiệt tình tạo ra bầu không khí rất sôi động. Cuộc thi đã tạo ra một sân chơi thực tế rất bổ ích đối với các em, giúp cho các em có được một hình thức tương tác mới, một trải nghiệm mới đối với hệ thống trưng bày tại bảo tàng.
Năm 2019, phòng Trưng bày – Tuyên truyền lên kế hoạch và tổ chức thành công cuộc thi: "Kể chuyện Lịch sử”, dành cho hai đối tượng là học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Quy Nhơn. Đây là một hình thức ngoại khóa mới lạ khác mà Bảo tàng tổ chức nhằm nâng cao sự tương tác, trải nghiệm cho đối tượng học sinh phổ thông đối với lịch sử địa phương nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Những mẩu chuyện lịch sử của dân tộc, của lịch sử địa phương được các em dàn dựng, phân vai rất sinh động trên sân khấu là một cách tiếp cận kiến thức lịch sử bằng trực quan, dễ hiểu, dễ nhớ theo đúng độ tuổi của các em. Qua đó góp phần bồi dưỡng niềm đam mê tìm hiểu kiến thức lịch sử địa phương nói riêng và của dân tộc nói chung, đồng thời kết nối các em đến với Bảo tàng ngày càng hiệu quả.
Trong tương lai gần, khi điều kiện cho phép, Bảo tàng tỉnh Bình Định hướng tới mở rộng các hoạt động ngoại khóa sinh động này tới đối tượng học sinh phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh, chứ không chỉ dừng lại trên địa bàn thành phố Quy Nhơn như hiện nay. Bên cạnh đó, Bảo tàng sẽ tiếp tục lên ý tưởng mới cho các chương trình ngoại khóa thêm phong phú và đa dạng, qua đó góp phần cuốn hút các em đến tham quan, học tập tại Bảo tàng ngày càng nhiều hơn.
Nguyễn Viết Tuấn
Ý kiến bạn đọc