Trong đó, võ cổ truyền Bình Định đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2012; nghệ thuật Hát Bội và Bài chòi Bình Định được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2014. Năm 2017, Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, thì Bài chòi Bình Định chính là một trong những không gian bảo tồn và phát huy quan trọng của loại hình trình diễn dân gian này.
Nhằm tôn vinh và quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể nói trên, năm 2019 Bảo tàng tỉnh Bình Định đã dành một không gian trang trọng để trưng bày và giới thiệu đến khách tham quan những giá trị độc đáo của nghệ thuật Tuồng, Bài Chòi và Võ cổ truyền Bình Định. Do không gian trưng bày còn hạn chế, nên việc trưng bày phải chọn lọc những hiện vật tiêu biểu nhất, làm nổi bật lên được giá trị độc đáo của ba loại hình văn hóa phi vật thể này, cũng như thực trạng bảo tồn và phát triển hiện nay.
Thứ nhất, là không gian trưng bày Võ cổ truyền Bình Định, bao gồm một số hình ảnh và hiện vật đi kèm.
Về hình ảnh trực quan gồm có hình ảnh bản scan bằng chứng nhận Võ cổ truyền Bình Định được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012; hình ảnh Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định; hình ảnh một số võ đường nổi tiếng trong tỉnh truyền dạy võ cổ truyền Bình Định cho các võ sinh như: võ đường Phan Thọ (Bình Nghi - Tây Sơn), võ đường Hồ Sừng (Bình Thuận - Tây Sơn), võ đường Lý Xuân Hỷ (Đập Đá - An Nhơn), võ đường Phi Long Vịnh (Phước Sơn - Tuy Phước), võ đường Chùa Long Phước (Phước Thuận – Tuy Phước); hình ảnh các võ sư, võ sinh trình diễn các thế võ đối với 18 loại binh khí của võ cổ truyền Bình Định.
Trưng bày hiện vật về võ cổ truyền Bình Định gồm có thập bát ban binh khí (18 loại binh khí sử dụng trong võ Bình Định: Bừa cào, Côn (roi), Đao, Đinh ba (soa), Giáo, Kích, Thiết lĩnh, Thương, Xà mâu trưởng, Giản, Song kiếm, song Phủ, Cặp Chùy, Lân khiên, Cặp Thái long câu, Cung tên, Liên trì (dây xích), Dải lụa đào. Bên cạnh đó còn trưng bày một số tài liệu về võ cổ truyền như: các bài thiệu chữ Hán, các bài thiệu tiếng Việt, các động tác võ có hình ảnh minh họa…
Thứ hai, là không gian trưng bày nghệ thuật Bài chòi Bình Định, bao gồm một số hình ảnh và hiện vật đi kèm.
Về hình ảnh trực quan gồm có bản scan bằng của Unesco ghi danh nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2017; hình ảnh các nghệ nhân đang trình diễn Bài chòi ở các hình thức: hội đánh Bài chòi; Bài chòi chiếu; kịch Bài chòi (một số cảnh diễn của Đoàn Ca kịch Bài chòi biểu diễn đạt giải);…
Trưng bày hiện vật về nghệ thuật Bài chòi Bình Định gồm có một số hiện vật được trưng bày theo bộ sưu tập: Bộ thẻ Bài chòi (thẻ bài cái, thẻ bài con), mõ, cờ phát thưởng, nhạc cụ Bài chòi (trống chiến, đàn cò, kèn, thanh la…); trang phục, trang sức, nhạc cụ (song loan, phách..) của một số nghệ nhân dân gian tiêu biểu; một số tư liệu, tài liệu ghi chép về một số câu thai, điệu hò,… của Bài chòi dân gian Bình Định.
Thứ ba, là không gian trưng bày nghệ thuật Tuồng (Hát Bội) Bình Định, bao gồm một số hình ảnh và hiện vật đi kèm.
Về hình ảnh trực quan gồm có bảng giới thiệu tóm tắt về nghệ thuật Hát Bội Bình Định; bản scan bằng chứng nhận Hát Bội Bình Định được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014; hình ảnh biểu diễn nghệ thuật Tuồng của Nhà Hát Tuồng Đào Tấn trong các cuộc thi đoạt giải; hình ảnh biểu diễn của đoàn nghệ thuật Tuồng không chuyên ở Bình Định.
Trưng bày hiện vật về nghệ thuật Hát Bội Bình Định gồm có tượng Đào Tấn và một số hiện vật, tư liệu liên quan đến sự nghiệp của ông; một số hiện vật được trưng bày theo bộ sưu tập: Mặt nạ tuồng, nhạc cụ tuồng, trang phục tuồng, một số kịch bản tuồng kinh điển…
Việc trưng bày, quảng bá ba loại hình văn hóa phi vật thể này đã được Bảo tàng áp dụng những kỹ thuật trưng bày mới, với tủ, bục bệ sử dụng chất liệu hiện đại, mật độ phân bố hiện vật cũng được tính toán kỹ lưỡng. Hệ thống chiếu sáng được thiết kế theo hướng làm cho hiện vật hiện lên rõ nét, sống động, không hòa lẫn với không gian xung quanh, mang lại hiệu quả tương tác tốt nhất đối với người xem.
Thời gian tới đây, Bảo tàng sẽ tiến hành sưu tầm một số đoạn video trình diễn của các nghệ nhân về các loại hình hát Bài chòi dân gian, biểu diễn võ cổ truyền của các võ sư, võ nhân. Bên cạnh đó cũng sưu tầm các trích đoạn Tuồng, Bài chòi chuyên nghiệp từng đạt giải thưởng cao để trình chiếu minh họa cho không gian trưng bày Tuồng, Bài chòi và Võ cổ truyền Bình Định tại Bảo tàng. Qua đó, góp phần tăng thêm giá trị trải nghiệm của khách tham quan về ba loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu này của tỉnh.
Nguyễn Viết TuấnÝ kiến bạn đọc