TỌA ĐÀM PHÁT HUY CÁC DI TÍCH THÁP CHĂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Thứ hai - 28/11/2022 08:11 186 0
         Chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), sáng ngày 22/11/2022, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Bình Định tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Phát huy các di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Định trong phát triển du lịch”, với sự tham dự của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, đại diện Trường Đại học Quy Nhơn, các địa phương có tháp Chăm, các doanh nghiệp tổ chức tour du lịch và các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh.
Biểu diễn tiết mục múa Chăm tại Tọa đàm
         Bình Định từng là kinh đô của vương quốc Champa từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, thời kỳ Vijaya. Người Chăm đã để lại trên vùng đất này nhiều di sản văn hóa quý giá, mà hiện nay còn lại là di tích các tòa thành cổ, những di tích và phế tích tháp Chăm, nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đất nung, bằng đá và các di tích lò nung gốm cổ với nhiều sản phẩm đang được lưu giữ, trưng bày ở các bảo tàng trong nước và thế giới. Về di tích kiến trúc nghệ thuật Chăm, Bình Định hiện còn 8 cụm tháp với 14 tháp. Trong đó, cụm di tích tháp Bánh Ít là công trình kiến trúc cổ được giới thiệu trong cuốn sách “1001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” do Nhà xuất bản Quintessence (Anh) xuất bản. Có thể khẳng định rằng, những di tích tháp Chăm ở Bình Định chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật rất giá trị, là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa khó có nơi nào sánh được.
         
Thời gian qua, công tác tu bổ, tôn tạo các di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Định được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm. Đến nay, đã có 04 cụm di tích tháp Chăm được đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, tìm hiểu và thưởng lãm của du khách gần xa, gồm: tháp Đôi (thành phố Quy Nhơn), tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước), tháp Cánh Tiên (thị xã An Nhơn) và tháp Dương Long (huyện Tây Sơn). Nhìn chung, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích tháp Chăm trong những năm qua đã đạt kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của tỉnh.
Biểu diễn tiết mục múa Chăm tại Tọa đàm
         Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy giá trị các di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch còn những hạn chế nhất định và chưa tương xứng với giá trị, tiềm năng vốn có. Doanh thu từ các di tích chủ yếu từ vé tham quan, chưa tổ chức được các hoạt động dịch vụ, biểu diễn nghệ thuật Chăm để thu hút, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Vừa qua, trong chuyến kiểm tra thực tế công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đánh giá: Bình Định sở hữu các di tích tháp Chăm mang vẻ đẹp độc đáo bậc nhất Việt Nam, nhưng việc khai thác các di tích tháp Chăm vào mục đích du lịch chưa xứng tầm với giá trị của nó.
         Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đánh giá hệ thống di tích tháp Chăm Bình Định có giá trị độc đáo và có sức hấp dẫn đối với du khách, đồng thời chia sẻ những giải pháp trong việc bảo tồn, quảng bá phát huy giá trị các tháp Chăm Bình Định như: Liên kết tour du lịch đưa du khách đến tham quan các di tích tháp Chăm, số hóa di tích tháp Chăm; khai thác một số loại hình dịch vụ, biểu diễn nghệ thuật để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tháp Chăm theo hướng phù hợp với xu thế phát triển du lịch hiện nay, qua đó, góp phần gìn giữ di sản văn hóatạo ra điểm đến hấp dẫnđưa ngành du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Đại biểu trao đổi tại buổi Tọa đàm
         Ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, cho biết, những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu tại Tọa đàm sẽ được Ban tổ chức tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Những nội dung thuộc thẩm quyền của Sở Văn hóa và Thể Thao, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Bình Định sẽ triển khai thực hiện trong thời gian sắp đến. Trước mắt sẽ triển khai một số hoạt động dịch vụ, biểu diễn nghệ thuật Chăm tại di tích tháp Đôi và tháp Bánh Ít vào đầu năm 2023.
Đại diện Sở VH-TT, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Bình Định ký kết văn bản phối hợp
         Kết thúc buổi Tọa đàm, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Bình Định đã ký kết văn bản phối hợp tổ chức, khai thác các loại hình nghệ thuật, dịch vụ tại các tháp Chăm để phục vụ du khách trong thời gian tới./.

Tác giả bài viết: Đặng Văn Đệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây