1. Giá trị lịch sử - văn hóa
Tháp Bánh Ít là một công trình kiến trúc tôn giáo Champa có niên đại cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII, nằm trên một quả đồi cao hơn 100m, nay thuộc xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tháp còn có những tên gọi khác như: tháp Bạc, tháp Thị Thiện…, vì hình dáng trông giống chiếc bánh ít lá gai nên dân gian gọi khu tháp này là tháp Bánh Ít.
Đây là quần thể tháp có quy mô lớn và có số lượng tháp nhiều nhất trong 8 cụm tháp cổ Champa hiện còn ở Bình Định, gồm 4 kiến trúc: Tháp chính (Kalan), tháp Cổng (Gopura), tháp Lửa (Kosagrha), tháp Bia (Posah), cùng những dấu tích còn lại cho thấy nơi đây từng là một trung tâm tôn giáo lớn của vùng Vijaya xưa. Tháp Bánh Ít là nhóm đại diện cho giai đoạn chuyển tiếp giữa hai phong cách kiến trúc: từ phong cách Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định, kết hợp hài hòa vẻ đẹp của hai xu thế nhẹ nhàng, trang nhã và bề thế, hoành tráng của kiến trúc Champa. Trong lòng tháp chính có đặt thờ tượng thần Shiva được phục chế năm 2013 theo nguyên mẫu hiện vật gốc đang được trưng bày tại Bảo tàng Guimet (Pháp), tượng cao 1,54m; rộng 1,06m, dày 0,56m, là một trong những tác phẩm điêu khắc Champa niên đại sớm ở Bình Định và thuộc phong cách nghệ thuật điêu khắc Chánh Lộ (cuối thế kỷ XI).
Tháp Bánh Ít là quần thể kiến trúc độc đáo với dáng vẻ đa dạng, mang tính hoành tráng và uy nghi, một khu di tích có giá trị nghệ thuật cao trong toàn bộ di tích tháp Chàm hiện còn ở Việt Nam. Tháp Bánh Ít được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ngày 24/12/1982 và được giới thiệu trong cuốn sách "1001 buildings you must see before you die” (1001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời) do Nhà xuất bản Quintessence (Anh) xuất bản. Đây là công trình kiến trúc cổ duy nhất ở Việt Nam được giới thiệu trong cuốn sách. Đó là sự tôn vinh xứng đáng giá trị kiến trúc độc đáo của cụm di tích tháp Bánh Ít và là cơ hội quảng bá về khu tháp này không chỉ đối với Việt Nam mà còn trong mắt bạn bè quốc tế.
2. Tiềm năng phát triển du lịch
Chỉ cách thành phố Quy Nhơn chưa đến 20 km, nằm cạnh quốc lộ 1 và quốc lộ 19, bất cứ ai có dịp đi ngang qua đây đều có thể chiêm ngưỡng từ xa những ngôi tháp cổ Champa này. Di tích với một quần thể gồm 4 ngôi tháp trên đỉnh đồi cao tạo cho du khách ấn tượng mạnh mẽ về một tổng thể kiến trúc đồ sộ, độc đáo, không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc mà còn là điểm du lịch có tiềm năng. Nơi đây là địa chỉ thu hút ngày càng nhiều du khách tham quan, học tập, nghiên cứu. Bên cạnh công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi các tháp, hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng khu di tích tháp Bánh Ít thời gian gần đây rất được quan tâm. Năm 2014, di tích đã được đầu tư xây dựng hoàn thành một số hạng mục: Đường lên tháp, khu vực cổng chính, hệ thống cấp thoát nước, bãi đậu xe, tường rào, điện chiếu sáng, nhà thường trực, nhà vệ sinh... Mặc dù vậy, vì nguồn kinh phí hạn hẹp việc đầu tư cơ sở hạ tầng khu di tích để đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách vẫn còn hạn chế, chưa hoàn thiện, chưa có các dịch vụ đi kèm để thu hút, hấp dẫn du khách, việc khai thác, phát huy giá trị chưa cân xứng với giá trị, tiềm năng vốn có của di tích.
Để nâng cao hiệu quả phát huy giá trị di tích gắn với khai thác tiềm năng du lịch khu di tích Tháp Bánh Ít, ngoài việc tăng cường công tác quảng bá, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phục vụ khách tham quan, việc xây dựng các chương trình du lịch chuyên về văn hóa Chăm ở Bình Định, kết hợp khai thác loại hình du lịch văn hóa Chăm với các loại hình du lịch khác là rất cần thiết. Từ đó, tạo ra hiệu quả tốt trong việc kết hợp du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, tham quan các lò võ cổ truyền, các làng nghề thủ công, mỹ nghệ truyền thống… với du lịch văn hóa Chăm. Bên cạnh đó, cần có chính sách xã hội hóa, thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tổ chức dịch vụ và các hoạt động đi kèm như tổ chức trưng bày giới thiệu về văn hóa Chăm bằng nhiều hình thức, tổ chức hàng lưu niệm, hàng đặc sản, các chương trình biểu diễn nghệ thuật Chăm, tổ chức không gian làng nghề truyền thống, làm hàng thủ công, mỹ nghệ của người Chăm và cho du khách trải nghiệm thực hành..., nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn du khách khi đến tham quan khu di tích, vừa được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc cổ hàng nghìn năm tuổi, vừa được trải nghiệm những hoạt động gắn với văn hóa Chăm...
Việc xã hội hóa di tích không chỉ huy động, tạo nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích mà còn quảng bá, giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, nâng cao nhận thức bảo vệ di tích trong cộng đồng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Bên cạnh đó, việc gắn công tác bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo di tích với việc khai thác, phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch một cách hài hòa sẽ là điều kiện để nâng cao hơn nữa giá trị di tích, khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch của quần thể di tích tháp Bánh Ít, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đặng Văn Đệ
Ý kiến bạn đọc