Vụ thảm sát Trường Thạnh
superadmin
2022-03-08T14:01:19+07:00
2022-03-08T14:01:19+07:00
http://baotangtinhbinhdinh.vn/vi/news/di-tich-lich-su-van-hoa-danh-lam-thang-canh-tinh-binh-dinh/vu-tham-sat-truong-thanh-43.html
/themes/egov/images/no_image.gif
Bảo tàng Bình Định
http://baotangtinhbinhdinh.vn/uploads/logo.png
Di tích lịch sử VTS Trường Thạnh thuộc thôn Trường Thạnh, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát. Đây chính là nơi ghi dấu tội ác của Mỹ đối với nhân dân thôn Trường Thạnh.
Thôn Trường Thạnh nằm ở phía Tây Bắc của xã Cát Tiến, Bắc giáp núi, phía đông giáp thôn Phương Thái, phía tây giáp thôn Chánh Đạt và phía nam là thôn Chánh Định. Thôn chia làm 3 xóm: xóm Tây, xóm Đông và xóm Nam. Xóm Nam thời kỳ đó có 42 gia đình. Dân ở đây sống chủ yếu là nông nghiệp. Trong vụ thảm sát ngày 23/9 của bọn lính Nam Triều Tiên chủ yếu nằm trong xóm Nam của Trường Thạnh, hiện nay người ta vẫn quen gọi là vụ thảm sát Trường Thạnh.
Ngày 26/4/1965 một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ ngụy với sự yểm trợ của pháo binh, máy bay của Mỹ, bọn chúng đã mở cuộc càn quét ở phía đông nam núi Bà, tấn công lực lượng của ta ở đây. Với âm mưu của chúng là tạo một vành đai trắng xung quanh thị xã Qui Nhơn. Song âm mưu của chúng đã bị bẻ gãy, chúng tiếp tục thực hiện chiến dịch mùa khô lần thứ nhất, tiến hành nhiều cuộc càn quét ở Tân Giản, Long Hội, Phú Giáo nhằm dồn hết lực lượng của ta lên núi Bà để tiêu diệt. Tuy nhiên ta đã xây dựng được căn cứ an toàn, đảm bảo lực lượng. Đến 23/9/1966 địch thực hiện khẩu hiệu “Lật đá bắt cộng sản” không một sườn núi nào ở căn cứ núi Bà là không có dấu chân lùng sục của chúng. Không tìm được lực lượng của ta bọn chư hầu điên cuồng bắn giết đồng bào xung quanh chân núi gây ra một số vụ thảm sát đẫm máu trong đó tiêu biểu là vụ thảm sát Trường Thạnh. Tại đây chúng chia làm hai đợt:
Đợt thứ nhất tại Gò Sát, khoảng 6 giờ sáng ngày 10/8 âm lịch tức 23/9/1966, một toán quân khoảng 1 trung đội lính Nam Triều Tiên từ phía Hang Đá Chẹt của Núi Bà vượt sông, chúng dồn dân khoảng 16 người sau đó chúng dùng dây buộc 2 người đấu lưng lại với nhau, số đàn bà, trẻ em bọn chúng buộc tay người này tiếp theo người kia dẫn đến Gò Sát sắp từng hàng rồi súng máy đại liên bắn thẳng vào đám đông dân chúng, những khẩu súng rung lên, hàng loạt người ngã xuống, những đứa bé đứa chết, đứa bị thương khóc la vang trời nhưng những loạt đạn tiếp theo đã giết chết số phận của những đứa trẻ và những người dân vô tội đến khi không còn một tiếng kêu rên nào nữa bọn chúng mới bỏ đi nơi khác tiếp tục lùng sục.
Đợt thứ hai tại nhà ông Nguyễn An Vận, cách Gò Sát khoảng 100m tại địa điểm này có một căn hầm khá kiên cố, khi nghe súng nổ mọi người đến nấp khá đông, khoản độ 67 người chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Bọn chúng đến ngay căn hầm đó và gọi mọi người lên tập trung trước sân nhà ông, còn hầm bọn chúng ném lựu đạn xuống, sau đó chúng dùng đại liên bắn và quăng lựu đạn vào đám người, rồi chất rơm rạ đốt luôn nhà ông Vận, không còn một người sống sót.
Trong đợt thảm sát đó tại Gò Sát chỉ còn lại em gái 12 tuổi là Phạm Thị Thu là nhân chứng duy nhất còn sống sót.
Di tích lịch sử Vụ thảm sát Trường Thạnh nằm trong quần thể khu di tích Núi Bà được xếp hạng cấp quốc gia vào ngày 25/1/1994