Tháp đôi

Thứ ba - 08/03/2022 13:59 149 0
Tháp Đôi là một trong 8 cụm tháp cổ Chămpa hiện còn ở tỉnh Bình Định. Trong các tài liệu, tháp còn có tên là tháp Hưng Thạnh, có niên đại cuối TK12 đầu TK13. Tháp Đôi đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 10/7/1980.
Tháp đôi
Chămpa là quốc gia cổ được hình thành trên dải đất miền Trung Việt Nam từ TK2 sau CN. Địa giới của quốc gia này kéo dài từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Bình Thuận ngày nay và mở rộng lên vùng rừng núi Tây Nguyên. Trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, vương quốc Chămpa đã đóng đô ở nhiều nơi, khi thì đóng đô ở miền bắc Chăm (tỉnh Quảng Nam ngày nay), lúc lại dời vào phía nam Chăm (tỉnh Ninh Thuận ngày nay). Trong khoảng thời gian từ TK 11 – 15, vương quốc Chămpa đóng đô ở Bình Định. Thời kỳ này trong lịch sử gọi là thời kỳ Vijaya.
Như vậy, Bình Định đã từng là kinh đô của vương quốc Chămpa trong 5 thế kỷ. Trong 5 thế kỷ đó, người Chăm đã để lại trên vùng đất này nhiều di sản văn hóa quý giá mà hiện nay còn lại di tích 3 tòa thành cổ, 8 cụm tháp cổ với tổng số 14 tháp, nhiều di tích lò nung gốm cổ và rất nhiều phế tích tháp Chăm đã bị sụp đổ, bên cạnh đó còn nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đất nung và đá hiện nay đang được lưu giữ, trưng bày ở các bảo tàng trong nước và thế giới. Đặc biệt, trong số 8 cụm tháp hiện còn ở Bình Định có tháp Hòn Chuông được xây dựng trên một đỉnh cao gần 700m (so với mực nước biển) của dãy Núi Bà thuộc huyện Phù Cát, và tháp được nằm trên tảng đá lớn cao hơn 40 mét. Điều đó cho thấy tài năng và sự sáng tạo của người Chăm xưa như thế nào để lưu lại cho chúng ta những tác phẩm kiến trúc, điêu khắc có giá trị cả về lịch sử và kỹ, mỹ thuật mà đến nay nhiều nhà khoa học đã dày công nghiên cứu vẫn chưa thể giải mã hết những bí ẩn về tháp Chăm.
Ở 2 ngôi tháp hiện còn của tháp Đôi, tháp phía Bắc cao 29,55m, cạnh Đông – Tây dài 10,75m, cạnh Bắc - Nam dài 10,06m, cửa chính rộng 1,11m; tháp phía Nam cao 17,55m, cạnh Đông – Tây dài 8,62m, cửa chính rộng 1,07m.
Người xưa đặt tên cho hai ngôi tháp này là Tháp Đôi bởi hình tượng hai tháp đứng song đôi. Không ít du khách khi tham quan khu tháp này đã đặt câu hỏi rằng phải chăng hai ngôi tháp tượng trưng tháp Ông và tháp Bà? Thực ra không phải như vậy. Ở các tháp Chăm, về cấu trúc quần thể thường tập hợp theo hai loại: loại thứ nhất là một tập hợp bộ ba gồm ba tháp song song thờ ba vị thần của Ấn Độ giáo là Brahma, Visnu và Siva; loại thứ hai là một tập hợp gồm một tháp trung tâm thờ thần Siva và các tháp phụ xung quanh; ngoài ra còn có những khu đền với duy nhất một tháp; nhưng ở tháp Đôi lại là cấu trúc gồm hai tháp. Từ đó, các nhà nghiên cứu đặt ra vấn đề có hay không tòa tháp thứ ba. Và câu trả lời được gợi mở khi các cán bộ của Bảo tàng tỉnh Bình Định khảo sát di tích vào những năm 1990 đã tìm thấy nhiều phiến đá có hình chạm khắc nằm rải rác xung quanh hai ngôi tháp hiện còn, trong đó có một số phiến đá đã và đang được hoàn thiện để dùng vào việc trang trí nền và các tầng của một ngôi tháp có cấu trúc và hình dáng như 2 ngôi tháp hiện còn (bản phác thảo được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh). Từ đó các nhà nghiên cứu cho rằng ngôi tháp thứ ba của khu đền tháp chưa được xây dựng mà mới ở giai đoạn chuẩn bị. Ngoài ra, theo quan sát của các nhà nghiên cứu về kiến trúc Chămpa, trong quần thể 3 tháp,  tháp phía Nam thường là ngôi tháp cổ nhất, có nghĩa là người Chăm xây tháp phía Nam trước, đến tháp Trung tâm, rồi đến ngôi tháp phía Bắc. Ở tháp Đôi ta thấy tháp phía Bắc cao hơn tháp phía Nam. Từ đó, có thể đoán định ngôi tháp cao hơn là tháp Trung tâm trong cụm 3 tháp, còn ngôi tháp thứ 3 (tháp Bắc) chưa được xây dựng. Và không hiểu vì lý do gì mà công việc xây dựng ngôi tháp này bị gián đoạn? Cho đến nay đó vẫn là một điều bí ẩn.
Dựa vào hình dáng, cấu trúc và điêu khắc, người ta xếp Tháp Đôi vào nhóm tháp thuộc phong cách kiến trúc Bình Định, có niên đại cuối TK12 đầu TK13. Ở Tháp Đôi, bên cạnh những yếu tố kiến trúc của một ngôi tháp Chăm truyền thống: khối thân vuông, cửa chính quay về hướng Đông, 3 mặt còn lại là 3 cửa giả; ở 2 tháp còn thể hiện những nét đặc trưng của phong cách tháp Chăm Bình Định với khối hình lớn, vòm trên đỉnh cửa ra vào và cửa giả vút lên thành hình mũi giáo, các cột ốp dọc thân tường nổi cao và để trơn, không trang trí hoa văn trên mặt tường. Tuy nhiên, về hình dáng của 2 ngôi tháp này có thể nói là độc đáo nhất và có một không hai. Nếu những ngôi tháp Chăm truyền thống có cấu trúc phần thân vuông, phía trên là các tầng tháp thu nhỏ dần, trên góc các tầng tháp có trang trí những tháp góc, thì ở tháp Đôi về hình dáng của tháp không giống với bất kỳ ngôi tháp nào khác hiện còn, đó là một cấu trúc gồm 2 phần chính: phần dưới là khối thân vuông vức và phần đỉnh hình tháp mặt cong. Từ bộ diềm mái trở lên, Tháp Đôi không thu nhỏ giật cấp thành 3 tầng tháp như các tháp truyền thống, mà thay vào đó là cả một hệ thống nhiều tầng giả. Mỗi tầng như vậy được báo hiệu ở 4 góc tháp bằng hình chim thần Garuda đang trong tư thế đôi chân cong hơi chùng lấy thế mạnh đạp vào góc tường tháp, 2 cánh tay giơ thẳng hết cỡ như đỡ lấy sức nặng của tầng trên tháp, khuôn mặt rắn khắc khổ và dữ tợn. Ngoài ra còn có các phù điêu hình khỉ Hanuman đang múa, hình các con vật thần thoại mình sư tử, đầu voi (Gajashimha)… Đây là những tác phẩm chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nghệ thuật Kh’mer thế kỷ 12-13.
Có thể nói trong số những tháp cổ Chămpa hiện còn ở Bình Định, nhóm tháp Dương Long và tháp Đôi là những kiến trúc chịu ảnh hưởng văn hóa Kh’mer đậm nét nhất, đó là việc sử dụng vật liệu đá vào kiến trúc khá nhiều. Ở đây khung cửa ra vào phía Đông là lanh tô bằng đá sa thạch; chân tường của tháp được bó bằng những tảng đá cát lớn thể hiện một đài sen khổng lồ đỡ toàn bộ tháp; những phù điêu trang trí trên mái tháp cũng đều được tạc bằng đá. Sự ảnh hưởng của kiến trúc Khơme đối với tháp Đôi nói riêng và các tháp ở Bình Định nói chung, bởi vì trong lịch sử phát triển của vương quốc Chămpa, suốt một thời gian dài từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 13 là thời kỳ chiến tranh liên miên giữa Chămpa và Khơme. Điều đáng nói là hầu như tất cả những sự kiện xảy ra trong cuộc chiến tranh này đều diễn ra ở vùng Vijaya – vùng Bình Định, kinh đô của vương quốc Chămpa lúc bấy giờ. Do đó, những ảnh hưởng của nghệ thuật Khơme đối với kiến trúc và điêu khắc Chămpa ở vùng Bình Định cũng mạnh nhất.
Tháp Chăm là những công trình tôn giáo. Người Chăm cổ là những tín đồ của đạo Bà la môn hay còn gọi là Ấn Độ giáo. Vì vậy họ xây dựng các tháp Chăm để thờ các vị thần của Ấn Độ giáo, trong đó thần Siva là vị thần tối thượng với biểu tượng là Linga.
Cũng như nhiều tháp Chăm hiện còn, ở cả 2 tháp đều không còn tượng hoặc đồ thờ tự. Để phục hồi không gian tâm linh của di tích, năm 2008, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định tiến hành phục chế bộ ngẫu tượng Linga-Yoni dựa trên cơ sở bản vẽ của kiến trúc sư người Pháp H.Parmentier vào đầu TK 20. Bộ ngẫu tượng ở Tháp Đôi được tạc bằng đá sa thạch nguyên khối. Bộ tượng có đế vuông, cạnh 1,86m, chiều cao tổng thể 1,06m.
Có lẽ chúng ta cũng đã nghe nhắc nhiều đến Linga-Yoni khi đến tham quan tháp Chàm nhưng ý nghĩa của 2 ngẫu tượng này không phải ai cũng biết. Tục thờ Linga – Yoni thể hiện tín ngưỡng phồn thực rất phổ biến của cư dân nông nghiệp nói chung và của người Chăm nói riêng. Linga là bộ sinh thực khí nam, tượng trưng cho thần Siva, biểu tượng của dương tính; Yoni là bộ sinh thực khí nữ, tượng trưng cho tính nữ của thần Siva, biểu tượng cho âm tính. Linga đặt trên bệ Yoni tượng trưng cho sự hòa hợp âm dương, là nguồn gốc mọi sự sinh sôi nảy nở của vạn vật.
Theo truyền thống kiến trúc tôn giáo của người Chăm trước kia, các tháp Chăm được xây với biểu tượng là núi Meru, nơi ngự trị của thần linh, thờ 3 vị thần chính của Ấn Độ giáo là Brahma - thần Sáng tạo; Visnu – thần Bảo tồn; Shiva – thần hủy diệt. Trong văn hóa Chăm 3 vị thần này thường được thờ thể hiện dưới dạng ngẫu tượng Linga – Yoni (dương vật – âm hộ), trong đó Linga thể hiện 3 phần biểu tượng của 3 vị thần: phần đế hình vuông thể hiện thần Brahma; phần giữa hình bát giác thể hiện thần Visnu và phần trên hình trụ tròn thể hiện thần Shiva. Đây là hiện tượng thờ tam vị nhất linh (3 vị thần là một).
Shiva theo tiếng Phạn là “tốt lành”. Thần Shiva là thần hủy diệt, nhưng sự hủy diệt của Shiva là hủy diệt cái cũ để sáng tạo ra cái mới. Chính vì thế người ta coi thần Shiva như là thần vừa hủy diệt vừa sáng tạo. Điều đó có lẽ xuất phát từ cuộc sống, đặc điểm của cư dân Chămpa sống trong vùng khí hậu khắc nghiệt nắng gió, mưa nhiều, bão tố tàn phá xảy ra thường xuyên, làm cho con người ở đây gặp nhiều tai họa thử thách, nhưng sau những giông bão ấy là những cánh đồng đầy nước, mùa màng xanh tươi. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn ấy, tính cách Shiva phù hợp với đời sống tâm linh của họ hơn.
Tục thờ Linga của người Chăm kết hợp với tín ngưỡng bản địa đã biểu hiện trong ba dạng:
1/ Linga thể hiện như ngẫu tượng thờ cúng tổ tiên;
2/ Linga được dựng lên làm biểu tượng thờ vua – đây là một trong những biểu hiện của sự kết hợp chặt chẽ giữa vương quyền với thần quyền trong đời sống của cư dân Chămpa.
3/ Linga được dựng lên làm quốc trụ, làm biểu tượng chiến thắng.
Kết hợp với Linga là Yoni – biểu hiện đặc tính âm của thần Shiva. Linga kết hợp với Yoni tạo nên một bệ thờ hoàn chỉnh được coi là sự hòa nhập âm dương. Yoni có thể được khắc tạc liền khối với Linga, hoặc có thể khắc tạc riêng lẻ gá lắp với Linga.Yoni thường được chế tác hình vuông hay hình tròn, có vòi dẫn nước vươn ra, lòng vòi trở thành nước thiêng, uống nước này người Chăm quan niệm sẽ được nhiều phúc lộc may mắn, con cháu đầy đàn…Bộ ngẫu tượng Linga-Yoni có kích thước nhỏ thường được đặt thờ trong lòng tháp, tượng lớn thì đặt ở ngoài sân, nhưng vòi Yoni bao giờ cũng quay về hướng Bắc. Khi hành tế, giáo sĩ Bala môn làm lễ xong, đi vòng từ phải sang trái (ngược chiều kim đồng hồ) lấy nước thiêng hứng từ vòi Yoni chảy ra ban phát cho tín đồ.
Trong nghi lễ của người Chăm ở các khu đền tháp bao giờ cũng có lễ tắm tượng. Người ta lấy lá thơm lau sạch tượng, sau đó tưới nước thiêng lên tượng. Tín đồ hứng nước thiêng đó xoa lên người để cầu sức khỏe, tài lộc và mọi sự may mắn. Ở Tháp Đôi, hàng năm người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận - nơi tập trung nhiều người Chăm Bà la môn, vẫn tổ chức hành hương về nơi đây để dâng cúng thần linh theo nghi thức thờ cúng của họ. Riêng Bình Định, cứ vào tối mồng 2 Tết, tổ chức múa Chăm phục vụ người dân địa phương và du khách, phục vụ nhu cầu tinh thần của người dân, làm sống lại di tích để phục vụ du khách tốt hơn.
          Tháp Đôi được gia cố, chống xuống cấp từ năm 1982 do các chuyên gia Ba Lan thực hiện; từ năm 1991 đến 1996 được đầu tư kinh phí trùng tu hai tháp. Các chuyên gia trùng tu tháp đã tạo ra những viên gạch có kích thước và phẩm chất gần như gạch Chăm xưa và xây theo kỹ thuật mài chập với chất kết dính là nhựa thực vật (bời lời). Những người phụ trách trùng tu tháp đã cố gắng tiếp cận với truyền thống xây dựng của người Chăm xưa để trả lại vẻ đẹp vốn có của tháp Chăm. Có thể nói họ đã chọn được hướng đi đúng ít nhiều có những thành công nhất định. Tuy nhiên, nếu quan sát thật kỹ, chúng ta có thể nhận thấy những viên gạch chúng ta làm ra hôm nay vẫn không thể sánh với gạch Chăm xưa. Gạch Chăm vừa nhẹ, xốp, lại vừa bền chắc, và như chúng ta thấy ở đây, chúng có thể chịu được nắng mưa trong nhiều thế kỷ. Cho đến nay, đây vẫn là một trong những bí ẩn lớn trong kỹ thuật xây dựng tháp Chăm. Có rất nhiều ý kiến chung quanh vấn đề này. Theo phân tích của các chuyên gia Ba Lan, gạch Chăm được làm từ loại đất sét hydromica và được đun ở nhiệt độ không lớn lắm (khoảng 100oC), tuy nhiên, ý kiến này mang lại nhiều nghi vấn, vì cũng với chất liệu và độ nung như vậy nhưng gạch chúng ta làm ra hôm nay vẫn không được như gạch Chăm xưa. Còn theo quan sát của nhà nghiên cứu Hồ Xuân Tịnh, trên nhiều viên gạch Chăm xưa, có nhiều vết trấu và rôm vụn, từ đó, Hồ Xuân Tịnh cho rằng người Chăm xưa đã trộn trấu và rôm băm vụn vào đất sét để làm gạch. Theo nhiều nhà khoa học, đây là ý kiến rất đáng lưu ý.
Bên cạnh đó, trong kỹ thuật xây dựng tháp của người Chăm, chất kết dính để liên kết những viên gạch lại với nhau thành một khối thống nhất, vững bền thách thức thời gian vẫn luôn là một câu hỏi lớn đối với chúng ta hôm nay. Đã có rất nhiều giả thuyết được nêu ra để trả lời cho câu hỏi này, và hầu hết đều gặp nhau ở điểm chung, đó là chất kết dính mà người Chăm dùng để xây dựng tháp Chăm được làm từ nhựa hoặc keo thực vật. Hiện nay, giải pháp và kỹ thuật trùng tu tôn tạo các tháp Chăm ở Bình Định được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nhiều nhà khoa học đánh giá cao.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây