Tháp Dương Long – Kiến trúc, giá trị di tích

Thứ hai - 01/06/2020 14:04 71 0
Di tích tháp Dương Long thuộc địa phận xã Tây Bình và Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cách thành phố Quy Nhơn khoảng 40 km về phía Tây Bắc. Đi đến di tích theo con đường nối với quốc lộ 19 tại huyện lỵ Tây Sơn (thị trấn Phú Phong) và con đường nối với quốc lộ 1 tại ngả ba Gò Găng (Đường vào Sân bay Phù Cát).
undefined
undefined

Kiến trúc các tháp Dương Long bố cục theo dạng 3 tháp nằm thẳng hàng trên trục Bắc - Nam, từ tâm tháp này đến tâm tháp kia cách nhau khoảng 18m. Các tháp đều có một cửa chính hướng Đông và các cửa giả ở các mặt còn lại. Mặt bằng các tháp, về cơ bản có thể thấy dạng một hình vuông mà bốn góc của hình vuông ấy chính là 4 điểm góc tháp. Nhưng thực chất thì mỗi mặt tường lại được tạo nên bởi các cột ốp giật vuông góc, càng ra xa thì càng tiến về phía cửa. Nếu nối các điểm góc tháp với các điểm nhô ra xa nhất tại giữa các cửa, thì sẽ có được mối tương quan giữa các điểm góc cột ốp với một hình bát giác. Mặt đứng các tháp được tạo bởi thân tháp, bốn tầng mái tháp thu nhỏ dần lặp lại hình thức thân tháp và một tòa sen trên đỉnh tháp. Do dạng mặt bằng và sự thu nhỏ đồng dạng của các tầng tháp, nên càng lên cao thì mặt bằng các tầng có xu hướng tròn dần để rồi kết thúc hợp lý bằng một tòa sen ở đỉnh.

Tháp Dương Long được xây dựng cách nay hơn tám thế kỷ. Trong lịch sử kiến trúc Chămpa kéo dài khoảng chín thế kỷ thì thế kỷ XII – XIII thuộc vào khoảng giữa của quá trình lịch sử xây dựng đó. Gắn liền với phong cách Bình Định của nghệ thuật Chămpa thời kỳ Vijaya, các tháp Dương Long có được điểm chung về vị trí xây dựng. Xu hướng chuyển dần vị trí xây dựng từ đồng bằng lên đồi cao một cách rõ rệt và sự biến đổi hình thức từ sự trang nhã của các tháp khoảng thế kỷ X sang sự khỏe khoắn của giai đoạn này là những yếu tố phản ánh lịch sử kiến trúc cũng như lịch sử xã hội Chămpa thời kỳ Vijaya. Nhưng trên hết, tự thân các tháp Dương Long với sự tồn tại hơn tám thế kỷ qua đã mang trong mình giá trị lịch sử đáng được trân trọng.

thap duong long

Kiến trúc tháp Dương Long (Ảnh: Xuân Tuyến)

Sự ảnh hưởng của những yếu tố văn hóa và kiến trúc Khơme giúp cho tháp Dương Long có giá trị nghệ thuật kiến trúc đặc biệt. Về cơ bản, kiến trúc tháp Dương Long vẫn tuân thủ chặt chẽ về chức năng, bố cục… của nghệ thuật tạo hình Chămpa như một đền thờ có bố cục hướng tâm rõ nét hay trang trí bằng các khung cửa, cột ốp… Song tất cả dường như được thể hiện dưới một hình thức khác biệt. Tính hướng tâm trở nên rõ nét hơn nhờ dạng mặt bằng tạo bởi các cột ốp giật vuông góc liên tục về phía cửa tháp gần như nội tiếp trong một đường tròn. Mái tháp gồm bốn tầng (là trường hợp duy nhất trong cấu tạo mái tháp Chămpa). Ở phía trên, các tầng mái tháp thu nhỏ dần đồng dạng với thân tháp tạo thành một cấu trúc càng ngày càng có hướng tròn và tạo điều kiện hòa nhập hữu cơ với tòa sen trên đỉnh tháp. Lối kiến trúc tháp Dương Long là trường hợp đặc biệt trong lịch sử kiến trúc Chămpa.

Về nghệ thuật trang trí, điêu khắc trên đá là yếu tố nổi bật nhất của tháp Dương Long. Hiện nay, trên các tháp vẫn còn lại nhiều tác phẩm điêu khắc rất có giá trị. Chúng được tạo tác trên rất nhiều thành phần kiến trúc từ vòm cửa, diềm mái đến những cánh sen trên đỉnh tháp. Đặc biệt, các hình trang trí trên vòm cửa giả còn lại thể hiện rất sống động hình quái vật Kala đang nhả ra hai con rắn bảy đầu (ananta) trườn về hai phía, từ miệng rắn lại nhả ra đầu thủy quái Makara… Tất cả kết thành hai tầng vòm cửa giới hạn bởi những thân rắn tròn nổi lên, ở giữa những thân rắn là hình người ngồi khoanh chân ở tư thế thiền. Còn rất nhiều điêu khắc đá trên tháp Dương Long phong phú về đề tài và đường nét.

Tháp Dương Long nổi bật lên trong số các di tích tháp cổ Champa không chỉ ở kích thước đồ sộ, mà còn ở hình dáng đặc biệt của từng kiến trúc. Nếu tính về mặt kích thước, không một ngôi tháp Chăm hiện còn nào có thể sánh nổi với các tháp ở Dương Long, còn nếu xét về hình dáng, các tháp Dương Long không hề giống bất kỳ một ngôi tháp cổ Champa hiện còn nào khác. Tháp Dương Long mang phong cách kiến trúc Chăm Bình Định, bởi vì ngoài những yếu tố của một ngôi tháp Champa truyền thống với vật liệu xây dựng chủ yếu là gạch, còn mang những yếu tố đặc trưng của phong cách tháp Chăm Bình Định như tháp được xây dựng trên đồi cao với khối hình lớn, các mặt tường phía ngoài thân tháp được trang trí bằng những cột ốp và các khung dọc nhô ra khỏi mặt tường hoàn toàn để trơn không chạm khắc hoa văn trang trí; vòm cửa ra vào và các cửa giả vút cao vươn lên như hình mũi giáo. Vì vậy, những ngôi tháp Chăm mang phong cách Bình Định trông vút cao hơn, mạnh mẽ, hoành tráng và bề thế hơn so với những ngôi tháp thuộc phong cách trước đó, nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp thanh thoát và trang nhã. Bên cạnh đó, một chi tiết thể hiện đặc trưng của phong cách Bình Định là việc sử dụng đá vào xây dựng tháp, đó cũng là sự ảnh hưởng rõ nét của kiến trúc Khơmer đối với các kiến trúc tháp Chăm trong giai đoạn này; Sự kết hợp thành công giữa kỹ thuật xây tháp gạch của người Chăm và kỹ thuật lắp ghép, tạo tác trên đá của Khơmer đã tạo nên một kiệt tác Dương Long nổi bật trong nghệ thuật kiến trúc Champa. Dựa trên các yếu tố và họa tiết trang trí kiểu Khơmer, các nhà nghiên cứu đã xác định niên đại tháp Dương Long ở khoảng thế kỷ XII.

Quan sát các tháp Dương Long, cả ba ngôi tháp không chỉ có hình dáng như nhau, mà còn cùng nằm trên một mặt bằng chung chạy dài theo trục Bắc - Nam, mặt chính quay về hướng đông, vì theo tín ngưỡng của người Chăm, hướng đông là nơi trú ngụ của thần linh. Do tính chất hướng tâm quy định, ngôi tháp giữa cao hơn hai ngôi tháp bên. Sự khác biệt giữa các tháp với nhau chỉ biểu hiện trong chi tiết điêu khắc trang trí qua từng nhát đục tài hoa của người thợ Chăm xưa. Điều đó được thể hiện rõ ràng qua kiến trúc của từng ngôi tháp. Nếu được tận mắt chiêm ngưỡng, cảm thụ qua từng kiến trúc của tháp thì sẽ có thể nhận thấy giá trị đặc biệt của tháp Dương Long trong lịch sử kiến trúc Champa.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, những tác phẩm có giá trị nhất của tháp Dương Long là phần vòm cửa giả bằng đá khổng lồ với những hình tượng điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao. Các cửa giả ở đây hầu như đều đã mất, chỉ còn cửa giả phía nam của ngôi tháp Bắc vẫn còn khá nguyên vẹn để chúng ta có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ của nó.

Một trong những đặc trưng nổi bật và có giá trị nhất về mặt nghệ thuật của tháp Dương Long là gần như tất cả các chủ đề điêu khắc trang trí đều được tạc trên đá như chân tường, diềm mái, cửa giả, cửa ra vào... Vì thế mà không một ngôi tháp Chăm hiện còn nào có nhiều tác phẩm điêu khắc đá như Dương Long.

Về tôn giáo của người Chăm xưa, do tiếp thu văn hóa Ấn Độ, họ chủ yếu theo Bàlamôn giáo, một tôn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ. Mặc dù hiện còn nhiều vấn đề tranh luận về tháp Chăm, như kỹ thuật xây dựng, điêu khắc, lịch sử, tôn giáo, nhưng mẫu số chung thống nhất về công dụng của tháp Chăm là một kiến trúc tôn giáo, các tháp này được xây dựng với mục đích thờ các vị thần trong đạo Bàlamôn, mà cụ thể là ba vị thần: Brahma, Visnu và Siva, ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo, sau đó là các vị vua có công với đất nước.

Với những giá trị như vậy, Tháp Dương Long đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1980 và được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2015. Như vậy, có thể thấy rằng Tháp Dương Long hiện tại và trong tương lai sẽ là đề tài hấp dẫn các nhà nghiên cứu khoa học của nhiều lĩnh vực từ khảo cổ, lịch sử, kiến trúc, kỹ thuật và nghệ thuật…

Trần Văn Thuê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây