Tháp Dương Long

Thứ ba - 08/03/2022 13:55 159 0
Tháp Dương Long thuộc thôn Vân Tường, xã Bình Hòa và thôn An Chánh, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn. Ngoài tên gọi tháp Dương Long, tháp còn có tên gọi khác là tháp Bình An và tháp An Chánh. Còn trong tư liệu cổ của người Pháp, những người bỏ công sức ra nghiên cứu tháp Chăm cổ lại gọi cụm tháp này là tháp Ngà.
Tháp Dương Long
Sự tồn tại của vương quốc Champa ở Bình Định là 5 thế kỷ, từ thế kỷ thứ XI đến thế kỷ XV, các công trình tôn giáo của người Chăm ở vùng này hiện còn cũng được xây dựng vào thời gian này. Đối với tháp Dương Long, căn cứ vào đường nét kiến trúc và điêu khắc, các nhà nghiên cứu đã xác định niên đại cho khu tháp Dương Long thuộc thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13.
 Cả ba ngôi tháp Dương Long không chỉ có hình dáng như nhau mà cùng nằm trên một mặt bằng chung chạy dài theo trục bắc – nam, mặt chính quay về hướng đông, vì theo tín ngưỡng của người Chăm thì hướng đông là hướng mặt trời mọc, là nơi trú ngụ của các vị thần linh. Do tính chất hướng tâm qui định, ngôi tháp giữa cao hơn hai ngôi tháp hai bên, tháp giữa cao khoảng 39m, hai tháp hai bên cao khoảng 32 và 33m. Sự khác biệt giữa các tháp với nhau chỉ biểu hiện trong trang trí điêu khắc qua từng nhát đục tài hoa của người thợ Chăm xưa. Chúng ta hãy tiếp cận gần hơn để tìm hiểu kỹ hơn.
Tháp Bắc: Tháp này cao 32m, bình đồ vuông cạnh đáy 12m. Mặc dù bị hư hại nhiều nhưng rất may mắn tháp này vẫn còn sót lại mảng cửa giả ở phía nam còn khá nguyên vẹn với những họa tiết hoa văn điêu khắc hết sức cầu kỳ và tinh xảo trên đá. Như chúng ta đã nhìn thấy ở đây, phần cửa giả này được tạo trụ cửa lanh tô bằng đá vững chãi, bên trên được tạo hai lá nhĩ, vòng ngoài là thân Makara, bên trong lá nhĩ là mặt KaLa được tạc trong tư thế khạc ra 7 đầu rắn Naga rất sinh động.
Về tôn giáo của người Chăm xưa, họ chủ yếu theo Bà la môn, một tôn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ. Mặc dù hiện còn nhiều vấn đề tranh luận về tháp Chăm, như kỹ thuật xây dựng, điêu khắc, lịch sử, tôn giáo, nhưng mẫu số chung cho sự thống nhất về công dụng của tháp Chăm là một kiến trúc tôn giáo, các tháp này được xây dựng với mục đích thờ các vị thần trong Ấn Độ giáo, mà cụ thể là ba vị thần Brahma, Vishnu và Shiva, ba đấng tối cao, sau đó là các vị vua có công với đất nước.
Tháp trung tâm: được xem là tháp gạch của người Chăm đồ sộ nhất Đông Nam Á, nó cao khoảng 39m. Một trong những đặc trưng nổi bật và cũng giá trị nhất về mặt nghệ thuật của Dương Long là gần như tất cả các chủ đề điêu khắc trang trí đều được tạc trên đá như chân tường, diềm mái, cửa giả, cửa ra vào…Vì thế mà không một ngôi tháp Chăm hiện còn nào có nhiều tác phẩm điêu khắc đá như Dương Long. Nghệ thuật điêu khắc ở tháp này được thể hiện một cách tinh tế và đẹp đẽ nhất . Qua cuộc khai quật khảo cổ học năm 2006, đã làm phát lộ một hệ thống điêu khắc mang tính nghệ thuật cao, đó là phần đai ốp chân đế còn sót lại của mặt bắc và mặt nam của tháp trung tâm này. Như chúng ta đang quan sát, đai đá được trau chuốt khá tỉ mỉ, với đề tài chủ đạo là cánh sen ngửa và úp, đặc biệt nhất là hình bầu vú phụ nữ căng tròn mịn màng ôm xiết lấy chân đế, đây chính là biểu tượng của nữ thần Uroja. Còn hàng trên cùng là hình ảnh của khuôn mặt Kala đang phun ra rắn Nagar một đầu hết sức sinh động. Chúng ta có thể thấy kỹ thuật điêu khắc của người Chăm xưa đạt trình độ rất cao, điêu luyện, có sự hòa trộn giữa kỹ thuật điêu khắc đá Champa truyền thống ở đặc điểm đường nét mền mại, hình khối đơn giản và mộc mạc với kỹ thuật điêu khắc đến từ Khmer – Angkor mà biểu hiện của nó là kỹ thuật đục lộng rất sâu, đi vào ngóc ngách tạo nên những mảng xoắn uốn lượn phức tạp trên các đề tài trang trí rậm rạp, cầu kỳ. Một điều đặc biệt là hoa văn trang trí trên các tầng của đai ốp này để lại một số đoạn còn trong tình trạng làm dở dang, điều này chứng tỏ rằng công đoạn chạm khắc trang trí được thực hiện sau khi các đai đá được lắp ráp cố định vào vị trí.
Tháp Nam: cao khoảng 33m, bình đồ vuông mỗi cạnh là 12m. Cũng giống như hai ngôi tháp kia, diềm mái của ngôi tháp này cũng được sử dụng hoàn toàn bằng đá sa thạch chạy kín vòng quanh bốn mặt tháp, trên các diềm đá này ta lại bắt gặp các hình bầu vú được chạm khắc tròn trịa, chạy vòng quanh thân tháp. Bên trên nữa là những bức phù điêu chạm nổi hình tượng tu sĩ đang trong tư thế thiền, phía dưới là phù điêu sư tử, người và các quái vật huyền thoại đang nhảy múa. Môtip trang trí mặt phía bắc của ngôi tháp này chủ yếu đi vào mảng khối, theo một thể thức đơn giản hóa. Môtip có thể nói là đẹp nhất và độc đáo nhất ở phần chân đế tháp là các cạnh góc, với phù điêu thần điểu Garuda, tất cả hình chim thần đều ở trong tư thế cưỡi lên đầu rắn Naga, ngực ưỡn ra phía trước, mắt mở to, má phính, hai tay giơ thẳng lên như đang nâng bổng cả ngôi tháp đồ sộ bên trên, làm cho ngôi tháp trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng.
Mặc dù cấu trúc nguyên trạng của phần trước và sau tháp đã hư hại nặng nề, song với những gì còn lại chúng ta có thể phát thảo diện mạo khu di tích Dương Long ngoài ba ngôi tháp chính còn có những công trình phụ, là cả một không gian rộng lớn được dùng trong các nghi thức tôn giáo của khu tháp. Từ đó có thể thấy rằng Dương Long không chỉ hoành tráng trong cấu trúc đền thờ chính mà tính quy mô của nó còn bao gồm cả ở những công trình kiến trúc phụ chung quanh. Tháp Dương Long được xem là một biểu tượng tôn giáo, nghệ thuật Champa ở giai đoạn Vijaya và giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử Champa.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây